Cùng doanh nghiệp vượt khó

- Thứ Ba, 01/09/2020, 06:13 - Chia sẻ
Theo quy định của Nghị định Số: 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải liên tục, tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương để được theo dõi, giám sát, thời hạn hoàn thành phải trước 31.12.2020. Tuy nhiên, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng mới đây, các bộ, cơ quan đã nhất trí đề nghị Tổ công tác kiến nghị Chính phủ cho phép các cơ sở này được gia hạn thời gian phải hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc thêm 1 năm nữa, tức là trước ngày 31.12.2021.

Đây được đánh giá là một động thái tích cực từ phía các cơ quan làm chính sách. Nếu kiến nghị này được Chính phủ đồng ý sẽ có ý nghĩa rất lớn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất khi dịch Covid-19 đang có tác động không nhỏ tới hoạt động, sản xuất, thậm chí là đe dọa sự sống còn của doanh nghiệp.

Khi vấn đề môi trường, xử lý phế liệu đang được dư luận và người dân đặc biệt quan tâm thì việc ra đời của Nghị định 40 được đánh giá là công cụ pháp lý để phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường theo hướng chủ động, góp phần bảo vệ môi trường. Với quan điểm nhất quán đó là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, phát triển kinh tế phải giữ được môi trường, Nghị định đã có quy định chặt chẽ nhằm chấn chỉnh các khâu liên quan tới bảo vệ môi trường từ cấp phép, nhập khẩu tới sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nghị định này, doanh nghiệp gặp một số khó khăn.

Theo quy định của Nghị định 40, các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải liên tục, tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương để được theo dõi, giám sát, thì thời hạn hoàn thành trước 31.12.2020. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên việc thực hiện quy định này thực sự là một khó khăn đối với doanh nghiệp. Do đó, nhiều doanh nghiệp không đủ nguồn lực để thực hiện quy định này vào cuối năm nay. Trong khi chưa lắp đặt hệ thống quan trắc thì các doanh nghiệp cũng không thể nhập được phế liệu dùng làm nguyên liệu để sản xuất do không xin được giấy phép nhập khẩu. Đây thực sự là cái “khó chồng khó”.

Nhằm tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, các bộ, cơ quan đã nhất trí phương án đề xuất cho tự động gia hạn/cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu nguyên liệu làm nguyên liệu sản xuất đến hết ngày 31.12.2021. Cùng với đó, cho tự động gia hạn/cấp lại giấy phép xử lý chất thải nguy hại cho doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 39 điều 3 Nghị định 40 đến hết ngày 31.12.2021. Như vậy, các cơ quan này đề nghị gia hạn cho các doanh nghiệp thời gian thực hiện các quy định này thêm 1 năm so với quy định.

Theo nguyên tắc, quy định pháp luật khi ban hành và đang trong thời gian có hiệu lực thì các đối tượng chịu sự tác động phải có nghĩa vụ tuân thủ. Tuy nhiên, quy định pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Quy định pháp luật chỉ có ý nghĩa khi vừa bảo đảm yêu cầu về quản lý nhà nước hiệu quả, nhưng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Việc đề xuất gia hạn thời gian thêm 1 năm để các cơ sở thực hiện theo yêu cầu của Nghị định 40 cho thấy, các cơ quan làm chính sách đã rất thận trọng khi căn cứ vào điều kiện cụ thể để có kiến nghị chính sách phù hợp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số: 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Theo đó, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Việc quyết định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho thấy, cùng với Chính phủ, Quốc hội, luôn có những quyết sách kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thực sự là "phao cứu sinh" đối với doanh nghiệp ở thời điểm này, sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được một khoản chi phí để sử dụng cho mục đích tái đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong lúc khó khăn, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Tuy nhiên, cùng với đó, điều mà doanh nghiệp rất cần là một hành lang pháp lý thông thoáng, các thủ tục hành chính minh bạch, thủ tục rườm rà hoàn toàn bị cắt bỏ. Có như vậy, doanh nghiệp mới có cơ hội để tồn tại và phát triển.

Song Hà