Hiến kế phòng, chống dịch Covid-19 cho Hà Nội

Củng cố và nâng cấp hệ thống giám sát dịch tễ học

- Thứ Bảy, 04/09/2021, 16:54 - Chia sẻ
Muốn phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, Hà Nội cần tập hợp chuyên gia dịch tễ học độc lập giúp củng cố và nâng cấp hệ thống giám sát dịch tễ học. Các chuyên gia của Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam, Hội Y tế công cộng Việt Nam và một số liên minh khác đề xuất.

Huy động chuyên gia phòng, chống dịch

Với mục tiêu cao nhất là thành công cho Hà Nội khi vận dụng thực tế chỉ đạo của Thủ tướng, cung cấp thêm những bài học thành công vận dụng cho các tỉnh tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần có được hệ thống giám sát dịch tễ học phục vụ xây dựng chiến lược hành động phòng chống dịch và công tác dự báo chính xác hơn, cập nhật hơn, hiệu quả hơn hệ thống hiện nay.

Nhân viên y tế quận Thanh Xuân lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tổ 7, phường Thanh Xuân Trung. Nguồn TTXVN
Nhân viên y tế quận Thanh Xuân lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tổ 7, phường Thanh Xuân Trung
Nguồn TTXVN

Để làm được điều này, thành phố cần tập hợp chuyên gia dịch tễ học độc lập giúp củng cố và nâng cấp hệ thống giám sát dịch tễ học bảo đảm gồm 3 cấu phần đồng bộ phục vụ giám sát dịch Covid-19. Các chuyên gia sẽ rà soát lại toàn bộ tiến trình giám sát dịch bệnh hiện nay, điều chỉnh và bổ sung thêm thành một hệ thống cơ bản theo khuyến cáo khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới.

Cụ thể, với cấu phần điều tra truy vết F0 hiện hành từ các điểm dịch bùng phát sử dụng test kháng nguyên (như đã và đang làm), cần điều chỉnh theo hướng chỉ tập trung thực hiện điều tra trường hợp nghi ngờ theo chỉ báo dịch tễ học tìm F0 và xác định chỉ số Re (tìm số người tiếp xúc F1 và xét nghiệm xác định số F1 trở thành F0 sau 10 ngày kể từ khi tiếp xúc). Không triển khai xét nghiệm diện rộng sàng lọc bóc tách cho hết F0.

Thành phố cũng cần thiết kế đưa vào vận hành cấu phần giám sát thường xuyên qua khai báo dấu hiệu theo tiêu chuẩn điều tra dịch tễ học cộng đồng, thực hiện hàng ngày, có sự phối hợp đồng bộ của hệ thống chính quyền cơ sở - y tế cơ sở - người dân, áp dụng trên toàn thành phố. Cấu phần này thực hiện chức năng sàng lọc tìm F0 phục vụ mục tiêu theo dõi y tế và cách ly y tế. Đồng thời, cần thiết kế và đưa vào vận hành nghiên cứu giám sát điểm (sentinel site) cung cấp số liệu khoa học theo dõi mức độ miễn dịch cộng đồng đạt được và các yếu tố ảnh hưởng đến sự duy trì dịch lâu dài.

Song song với đó, thành phố cần tạo nhóm chuyên gia phân tích thông tin từ hệ thống giám sát dịch tễ học ra được bằng chứng khoa học từ thực tế, qua đó giúp chính quyền điều chỉnh chính sách phòng chống dịch phù hợp tình hình.

Lập đội giám sát hỗ trợ chuyên môn cho y tế cơ sở 

Nhìn nhận yếu tố truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống dịch, các chuyên gia nhấn mạnh cần cải thiện chất lượng truyền thông bảo đảm khoa học, cụ thể, thực tiễn, hiệu quả cao.

Theo đó, ngoài các khái niệm F0, F1, F2 (định nghĩa lấy xét nghiệm làm nền tảng), cần đưa vào và dần nâng lên thành cơ bản thực hành hàng ngày các khái niệm lấy khoa học dịch tễ học làm nền tảng, như: Vùng/khu vực nguy cơ cao, nhóm người có nguy cơ cao, người đã tiếp xúc có nguy cơ lây nhiễm cao, người nhiễm, người mắc bệnh, theo dõi y tế (quarantine), cách ly y tế (isolation), giám sát dịch (surveillance), chăm sóc dự phòng, điều trị bệnh thể nhẹ tại nhà, điều trị tại tuyến cơ sở và điều trị trong bệnh viện. Thành phố cần soạn thảo cập nhật và nâng cấp tài liệu hướng dẫn phòng chống dịch cho sát thực với tình hình mới. 

Lực lượng y tế làm công tác phòng chống dịch tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nguồn: Báo Người lao động
Lực lượng y tế làm công tác phòng chống dịch tại quận Thanh Xuân, Hà Nội
Nguồn: Báo Người lao động

Thành phố cũng cần bảo đảm người dân và chính quyền địa phương được tiếp cận thông tin chuẩn thức phòng chống dịch cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng. Bảo đảm chất lượng phòng chống dịch trên toàn hệ thống đạt yêu cầu khoa học và hiệu quả. Theo đó, tổ chức đào tạo online về khoa học phòng chống dịch cho toàn bộ hệ thống chính quyền cơ sở và y tế cơ sở. Lập đội giám sát hỗ trợ chuyên môn cho y tế cơ sở, chính quyền địa phương; tổ chức kế hoạch giám sát, đánh giá, hỗ trợ chuyên môn trực tiếp cho cơ sở (có ưu tiên cao cho vùng đang là điểm nóng dịch). Nhóm này gồm các chuyên gia độc lập, đủ khả năng chuyên môn, đã được đào tạo về dịch tễ học. 

Ngoài ra, thành phố cần bảo đảm những người dân nghèo, người cô đơn, người già, người tàn tật, người mắc SAR-CoV-2 nhận được sự hỗ trợ thiện nguyện trong thời gian phong tỏa, bên cạnh sự quan tâm của hệ thống Nhà nước…

Các chuyên gia của Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam, Hội Y tế công cộng Việt Nam tin tưởng, những biện pháp trên sẽ giúp Hà Nội thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời cung cấp thêm những bài học thành công cho các tỉnh. 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Minh Châu