Chuyển đổi số ngành thư viện - xu hướng tất yếu

Cung cấp nguồn thông tin không giới hạn

- Chủ Nhật, 07/11/2021, 06:24 - Chia sẻ
Với tính chất là thư viện công cộng, phục vụ đối tượng bạn đọc từ thiếu nhi đến hưu trí, công chúng mọi thành phần, ngay từ những năm đầu tiến hành số hóa tài liệu, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã phục vụ công chúng các bộ sưu tập trực tuyến một cách rộng rãi mà không cần tài khoản đăng nhập.
	Thư viện luôn thay đổi cách thức tổ chức, hoạt động theo hướng linh hoạt - Nguồn: toplist.vn
Thư viện luôn thay đổi cách thức tổ chức, hoạt động theo hướng linh hoạt
Nguồn: toplist.vn

Thu hút lượng lớn người sử dụng

Thư viện Quốc gia Việt Nam là thư viện đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện từ giữa những năm 1980. Đến năm 2007, nơi đây đã khai trương được thư viện điện tử. Đặc biệt, năm 2003, công tác số hóa tài liệu tại Thư viện đã được khởi động và thực hiện cho đến nay. Việc đưa công nghệ thông tin, các bộ sưu tập số vào phục vụ đã góp phần thu hút lượng người sử dụng bằng hình thức trực tuyến ngày càng nhiều. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, Thư viện số hóa khoảng 1.500 đầu sách và 14.000 số báo, tạp chí.

Thư viện Quốc gia Việt Nam là cơ quan duy nhất thu nhận các bản luận án tiến sĩ trực tiếp từ các tác giả Việt Nam bảo vệ trong và ngoài nước và của các tác giả nước ngoài bảo vệ tại Việt Nam. Đây là kho tài liệu quý và đặc biệt của Thư viện. Hiện tại, Thư viện đã số hóa trên 30.000 bộ luận án tiến sĩ, tương đương với 6,6 triệu trang tài liệu. Bộ sưu tập số sách Hán Nôm cổ được Thư viện thu thập, gây dựng từ những năm 1960, đến nay đã có 1.950 tên với 5.200 bản sách. Để bảo quản lâu dài, Thư viện đã số hoá toàn bộ kho sách này và phục vụ trực tuyến.

Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga cho biết: “Tính đến cuối năm 2021, Thư viện đã xây dựng được nguồn tài liệu số hóa khá lớn là các bộ sưu tập quan trọng phục vụ rộng rãi bạn đọc thông qua hai hình thức trực tuyến và mạng nội bộ, tùy từng loại và tính chất tài liệu. Sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác số hóa tài liệu là những điều kiện cần thiết để Thư viện Quốc gia Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh tốc độ số hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu bạn đọc".

Tích cực hỗ trợ người đọc

Bà Kiều Thúy Nga cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, để bảo đảm vừa phục vụ bạn đọc, vừa làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tăng cường năng lực máy chủ, hệ thống mạng, ưu tiên băng thông cho các máy chủ quản trị thư viện điện tử, thư viện số nhằm bảo đảm sự ổn định, đáp ứng được lưu lượng truy cập lớn, đột biến vào hệ thống. Bên cạnh đó, quản trị, duy trì các bộ sưu tập số trực tuyến (OPAC, bộ sưu tập tóm tắt luận án tiến sĩ, bộ sưu tập sách Đông Dương, bộ sưu tập Báo Đông Dương, bộ sưu tập sách Hán Nôm…) một cách ổn định. Đặc biệt, Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng tích cực tư vấn, hỗ trợ bạn đọc khai thác sử dụng tài liệu trực tuyến qua email, mạng xã hội…

Thông qua nghiên cứu, tìm hiểu từ thư viện của các nước phát triển, đặc biệt từ thư viện quốc gia các nước trên thế giới trong việc chuyển đổi số, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm. Đó là, phải xây dựng được bộ khung (framework) cho chuyển đổi số một cách hiệu quả, lập kế hoạch theo từng giai đoạn (ngắn - trung - dài hạn). Thay đổi cách thức tổ chức, hoạt động thư viện theo hướng linh hoạt hơn, như thay đổi mô hình hoạt động theo hướng lấy công nghệ làm nòng cốt, lấy người sử dụng làm trung tâm; thay đổi sản phẩm và dịch vụ thư viện, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm số một cách đa dạng, phong phú hơn, đồng thời triển khai các dịch vụ một cách linh hoạt, sáng tạo, có tính tương tác cao hơn.

Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng luôn chú trọng nâng cao chất lượng số hóa tài liệu, áp dụng chuẩn hóa trong mọi khâu kỹ thuật. Thay đổi mô hình phục vụ mới mang tính chủ động, sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện mới (ví dụ, trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19). Nâng cao khả năng truy cập của người sử dụng vào các bộ sưu tập số (giải quyết vấn đề rào cản: công nghệ, bản quyền, chính sách…). Nâng cao năng lực công nghệ thông tin, từ hạ tầng mạng; phần mềm quản trị thư viện điện tử, thư viện số; băng thông; hệ thống an toàn, an ninh thông tin; ứng dụng công nghệ hiện đại (như công nghệ điện toán đám mây) để lưu trữ dữ liệu lớn một cách an toàn và hợp lý trong điều kiện ngân sách hạn hẹp.

Một trong những mục tiêu trọng tâm của Thư viện Quốc gia Việt Nam là tăng cường thiết bị phần cứng mạnh có hiệu suất làm việc cao để đáp ứng nhu cầu kết nối, tìm kiếm, khai thác dữ liệu từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ứng dụng công nghệ mới, hiện đại như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường để cung cấp khả năng tìm kiếm, thu thập tri thức và tăng cường trải nghiệm người sử dụng. Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thư viện, dành sự quan tâm nhiều hơn cho đội ngũ phát triển, vận hành thư viện trên môi trường số.

H.Sen