Cứ có khách, du lịch sẽ phục hồi

- Thứ Năm, 16/12/2021, 05:51 - Chia sẻ
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, mặc dù còn nhiều khó khăn, song các địa phương trọng điểm về du lịch đều đã xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch trong điều kiện bình thường mới để đón khách theo từng giai đoạn cụ thể, với niềm tin rằng, một khi có khách thì du lịch sẽ phục hồi, và đã phục hồi thì sẽ phát triển.

Khả năng chống chịu đã tới hạn

Là trọng điểm du lịch của khu vực Bắc Trung bộ, sau khi Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn được ban hành (ngày 16.1.2017), du lịch TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) và TX. Cửa Lò (Nghệ An) đã phát triển vượt bậc và đều đạt đỉnh vào năm 2019, cả về lượng khách và doanh thu (TP. Sầm Sơn đón trên 4,95 triệu lượt khách, doanh thu đạt 4.580 tỷ đồng; TX. Cửa Lò đón 3,178 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3.450 tỷ đồng), đóng góp trên 60 - 70% doanh thu du lịch của tỉnh.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 từ giữa năm 2021, ngành du lịch các địa phương gần như ngưng trệ hoàn toàn. Các doanh nghiệp lữ hành cơ bản dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp thông báo giải thể. Các khu, điểm du lịch rơi vào tình cảnh ảm đạm. Cơ sở lưu trú đóng cửa, hoặc được sử dụng làm khu cách ly y tế tập trung. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến du lịch đều tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừngCơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị ngành du lịch xuống cấp nghiêm trọng, doanh nghiệp không có nguồn lực để tái đầu tư, lãi vay ngân hàng càng nợ đọng cao.

Tại Nghệ An, 6 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và nội địa thông báo chấm dứt hoạt động; trên 90% cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa. Các điểm du lịch nổi tiếng như Khu di tích Kim Liên, Khu di tích lịch sử Truông Bồn, Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm… những ngày này bình thường đón tới hàng trăm nghìn lượt khách, thì nay chỉ thưa thớt khách đến tham quan, trải nghiệm. Trên 90% người lao động làm việc trong ngành du lịch phải ngừng, nghỉ việc, làm việc luân phiên hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; nhiều người tự xoay xở tìm kiếm các công việc mới để mưu sinh.

Báo cáo với Đoàn khảo sát của Thường Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa Trần Đình Sơn cho biết, 3 khó khăn thực sự đang diễn ra với các doanh nghiệp du lịch là: cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng sau 2 năm gần như không hoạt động; đội ngũ lao động gần như tan rã vì doanh nghiệp không còn đủ sức để nuôi lao động; các mối quan hệ trong chuỗi cung ứng dịch vụ bị đứt gãy.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Sầm Sơn Cao Thiện Tâm, 80% doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố liên quan đến du lịch và dịch vụ. “Nếu không sớm có giải pháp mở cửa lại du lịch, doanh nghiệp không thể trụ được nữa” - ông Cao Thiện Tâm nói.

Các khu, điểm du lịch trọng điểm của Thanh Hóa như Sầm Sơn đã sẵn sàng các điều kiện để mở cửa đón khách

Nguồn: http://dulich24.com.vn 

An toàn đến đâu mở cửa tới đó

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch áp dụng thống nhất trên toàn quốc, Nghệ An là một trong những tỉnh khá sớm tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh về kế hoạch phục hồi du lịch trong điều kiện bình thường mới, với 3 kịch bản theo lộ trình chuyển đổi trạng thái về phòng, chống dịch, tương ứng với đón khách nội tỉnh, đón khách nội địa, và đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt. Ngay sau khi mở cửa phục vụ nội tỉnh từ tháng 10.2021, người đi đồi hoa hướng dương, đồi chè, người đi thăm quê Bác... “Lượng khách chưa đông nhưng đã khởi động bước đầu phục hồi du lịch Nghệ An” - Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường thông tin.

Với việc tiêm phủ vaccine phòng chống Covid-19 cho người dân sinh sống trên địa bàn thị xã mũi 1 đạt trên 98%, mũi 2 trên 79%, Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò Doãn Tiến Dũng cho biết, Cửa Lò đang chuẩn bị các điều kiện để mở cửa đón khách du lịch trở lại vào năm 2022, trong đó ưu tiên hàng đầu là xây dựng “vùng xanh” bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Theo đó, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 trên hệ thống https://safe.tourism.com.vn; tổ chức tập huấn các biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện khách du lịch là F0 cho các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh phục vụ khách du lịch…

Các khu, điểm du lịch trọng điểm của Thanh Hóa như Sầm Sơn, Pù Luông, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ… cũng đã sẵn sàng các điều kiện để mở cửa đón khách du lịch ngoài tỉnh; các doanh nghiệp du lịch lớn như FLC, Hanoitourist… xây dựng kế hoạch và đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động đưa khách ngoại tỉnh, trước mắt từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc về Thanh Hóa. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến, tỉnh đang triển khai các hoạt động du lịch với tiêu chí “An toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn”, và vừa làm vừa hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tuyệt đối an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch.

“Quan trọng nhất hiện nay là kích cầu để người dân yên tâm đi du lịch. Chỉ cần khách đến là người dân Sầm Sơn sẽ ấm no, doanh nghiệp sẽ tươi vui. Một khi có khách thì du lịch sẽ phục hồi, và đã phục hồi thì sẽ phát triển” - Bí thư Thành ủy Sầm Sơn Lương Tất Thắng khẳng định.

Nhật Linh