Phụ nữ tham gia Quốc hội năm 2020

Covid-19 và quyền đại diện chính trị của phụ nữ

- Chủ Nhật, 28/03/2021, 04:31 - Chia sẻ
​​​​​​​Không có khu vực nào trên thế giới không phải chịu hậu quả về sức khỏe, kinh tế và chính trị từ đại dịch Covid-19 toàn cầu. Thực tế, virus Corona đã len lỏi và ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống, đồng thời tác động lớn đến cơ sở giới ở phạm vi rộng, bao gồm cả sự tham gia vào các cơ quan lập pháp của phụ nữ.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres từng lưu ý, “đại dịch đang kéo lùi những tiến bộ vốn đạt được còn hạn chế trong 25 năm qua liên quan đến trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới, và các biện pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của phụ nữ trong các nỗ lực ứng phó và phục hồi Covid-19 là cần thiết”. Thực vậy, đại dịch Covid-19 đã thay đổi cách thức hoạt động của các nghị viện. Hầu hết các cơ quan lập pháp trên thế giới phải tiếp tục hoạt động dưới nhiều biện pháp đặc biệt được áp dụng thường xuyên như  thực hành giãn cách xã hội, bắt buộc đeo khẩu trang hay đặt các trạm khử khuẩn. Một số từng bị buộc phải tạm nghỉ hoặc nhanh chóng áp dụng các cách làm việc từ xa như tổ chức họp trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến…

Theo IPU, ở một số quốc gia như Vương quốc Anh, việc tạm thời sử dụng mô hình làm việc kết lai, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, đã tạo thuận lợi cho sự tham gia của các nữ nghị sĩ trong các phiên chất vấn và tranh luận tại Quốc hội. Tuy nhiên, ở các quốc gia có nguồn lực thấp, các nữ nghị sĩ phải đối mặt nhiều khó khăn thích ứng hơn so với các đối tác nam. Vì vậy, việc chuyển sang các hoạt động làm việc từ xa, dựa trên công nghệ có khả năng tác động tích cực lâu dài đối với phụ nữ trong các nghị viện thế giới. Việc sử dụng công nghệ mới cho các cuộc tranh luận đã mang lại nhiều hình thức tương tác cá nhân mới, phá vỡ các tập tục cũ và hạn chế một số “câu lạc bộ” mà trước đây đã loại trừ sự tham gia đầy đủ của phụ nữ. Bỏ phiếu và họp trực tuyến còn giúp thúc đẩy sự tham gia của các thành viên gặp khó khăn trong việc đi lại, kể cả những người có khiếm khuyết và có con nhỏ. Trong tương lai, nếu các cơ quan lập pháp duy trì phương thức làm việc linh hoạt, sẽ có nhiều phụ nữ hơn có thể kết hợp chăm lo gia đình với theo đuổi sự nghiệp chính trị. Tương tự, việc học tập đồng đẳng và sự tham gia nhiều hơn vào mạng trực tuyến của các nữ nghị sĩ trên quốc tế có thể đóng góp tích cực vào khả năng phục hồi và nâng cao vị thế của họ thông qua đại dịch. Một số nhà nghiên cứu từng cho rằng, đại dịch đã “làm cho phụ nữ [làm chính trị] ít xuất hiện trước công chúng hơn và đẩy các cuộc tranh luận về quyền của phụ nữ ra khỏi chương trình nghị sự chính trị”. Tuy nhiên, những người khác lại lập luận, tuy không thể gặp cử tri trực tiếp nhưng các nữ nghị sĩ có thêm nhiều thời gian trực tuyến dành cho các khu vực bầu cử ngay tại gia. Và sự thân mật khi nhìn thấy các nghị sĩ tại chính ngôi nhà họ thông qua các sự kiện được thực hiện trên phần mềm Zoom đã củng cố mối quan hệ giữa nghị sĩ và cử tri. 

Nguồn: ITN

Thực tế, đại dịch toàn cầu đã mang lại một số cơ hội để tăng cường sự tham gia chính trị của phụ nữ. Trong thời kỳ đại dịch, các thuộc tính truyền thống của phụ nữ, chẳng hạn như năng lực/sự cống hiến trong chăm sóc sức khỏe, sự trung thực và đáng tin cậy, được hiển thị nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, điều này có thể tạo ra sự ủng hộ ngày càng tăng của công chúng đối với các ứng cử viên nữ trong các kỳ bầu cử nghị viện.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cũng tác động tiêu cực đến khả năng vận động tranh cử và tiếp cận nguồn tài trợ của phụ nữ. Sự bấp bênh về kinh tế do đại dịch làm trầm trọng thêm bất bình đẳng kinh tế - xã hội theo giới hiện có. Phụ nữ mất việc làm với tỷ lệ cao hơn nam giới và nhiều phụ nữ rời bỏ (hoặc gần như rời bỏ) lực lượng lao động hoàn toàn do căng thẳng liên quan đến đại dịch. Điều đó đã hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn lực của chiến dịch và buộc nhiều phụ nữ phải gián đoạn hoặc từ bỏ con đường sự nghiệp chuyên nghiệp và quay trở lại vai trò truyền thống là người chăm sóc chính cho gia đình. Tình trạng này thậm chí có thể tác động tiêu cực đến nguồn cung ứng cử viên nữ trong tương lai sau đại dịch.                      

Ngọc Minh