Covid-19 tác động đến đối tượng yếu thế

- Thứ Sáu, 15/10/2021, 06:31 - Chia sẻ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đại dịch Covid-19 gây tác động đặc biệt tới một số nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, người ở tuyến đầu phòng, chống dịch, người có bệnh lý nền, người sống độc thân. Đáng nói, đại dịch Covid-19 làm tăng tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm, lo âu, căng thẳng, mất ngủ từ 31,4% - 41,1%, tùy triệu chứng. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp tích cực trong những ngày vừa qua.
Nhiều người dân chịu tác động xấu từ dịch Covid-19 dù không nhiễm virus SARS-CoV-2

Tổn thương về thể chất lẫn tinh thần

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã làm gia tăng đáng kể rối loạn tâm thần, trầm trọng thêm bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội, kèm theo những hậu quả nặng nề.

Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 gia tăng đáng kể như rối loạn trầm cảm (31,4%); rối loạn lo âu (31,9%) và rối loạn giấc ngủ (41,1%). Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính trên toàn cầu cứ 4 người có 1 người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, không có gia đình nào không liên quan đến sức khỏe; có 10 nguyên nhân chủ yếu gây mất khả năng lao động là do các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Đại dịch còn gây tác động đặc biệt tới một số nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu phòng, chống dịch, người có bệnh lý nền, người sống độc thân. Thêm vào đó, dịch Covid-19 cũng khiến việc cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh và điều trị rối loạn tâm thần bị gián đoạn và gặp nhiều khó khăn.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, việc người dân trải qua sợ hãi, lo lắng và căng thẳng trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 là điều bình thường và dễ hiểu. Cùng với nỗi sợ nhiễm virus trong đại dịch, những thay đổi đáng kể trong cuộc sống hàng ngày như bị hạn chế đi lại, giãn cách xã hội cùng với thực tế mới của làm việc tại nhà, thất nghiệp tạm thời, con cái phải học online, thiếu tiếp xúc với anh, chị, em, họ hàng, bạn bè… đã làm gia tăng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của mọi người.

Giúp người dân ổn định tâm lý

Để hỗ trợ người dân về mặt tâm lý trong thời gian giãn cách, ngành y tế đã phối hợp với chính quyền nhiều địa phương triển khai nhiều hoạt động có tính thiết thực cao. Điển hình như chương trình "Vaccine tinh thần" đã được TP. Hồ Chí Minh khởi động từ ngày 5.9 (dự kiến kết thúc vào cuối năm 2022). Đây là chương trình phi lợi nhuận do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh triển khai; nhằm tiếp cận theo hướng ngăn ngừa, can thiệp chữa trị và phục hồi.

Với hướng tiếp cận đẩy lùi đại dịch Covid-19 = 5T + "vaccine tinh thần", chương trình thực hiện thông điệp "Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài" của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid- 19; hướng tới mục tiêu động viên sức mạnh tinh thần, củng cố niềm tin, giải quyết các vấn đề tâm lý của người dân, đội ngũ y tế và các lực lượng tuyến đầu, ổn định "an sinh tinh thần" trong và sau đại dịch, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thương tinh thần do ảnh hưởng, di chứng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TP Hồ chí Minh Ngô Thị Phương Lan, sau khi có những thông tin cơ bản về cá nhân; những trường hợp nào cần hỗ trợ, quản lý ca sẽ tiến hành sàng lọc và lên lịch hẹn với chuyên gia phù hợp. Căn cứ vào tình trạng của mỗi người, chuyên viên tâm lý sẽ lên kế hoạch can thiệp và thực hiện cho đến khi đạt được mục tiêu trị liệu.

Bình quân mỗi ngày, bộ phận tư vấn nhận được khoảng 400 - 500 trường hợp, đa phần người dân gặp những vấn đề tâm lý từ thể nhẹ đến thể nặng như căng thẳng, lo âu, mất ngủ, bất an, bứt rứt, tiêu cực, thậm chí trầm cảm, có ý định tự sát... Chương trình còn chủ động gọi đến cho các bệnh nhân đang điều trị Covid-19 để hỗ trợ tâm lý.

"Với nội dung phòng ngừa phổ quát, số người dân tiếp cận với chương trình khá cao. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả ban đầu, cần liên tục đánh giá để có giải pháp điều chỉnh công tác thực hiện cho phù hợp" - TS Ngô Thị Phương Lan nói thêm.

Ngoài chương trình "vaccine tinh thần", nhiều bệnh viện cũng triển khai tư vấn tâm lý cho người bệnh trong thời gian vừa qua. Trưởng khoa bán cấp tính nữ, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Trung ương 1 Nguyễn Thị Vân cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã nhận tư vấn từ xa, điều trị nhiều ca bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần trong dịch và hậu Covid-19, cụ thể là các trường hợp rối loạn trầm cảm, lo âu, mất ngủ sau khi được xác định dương tính, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng khi phải đi cách ly tập trung...

Mới đây nhất, trong nhóm ý kiến tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ về chính sách an sinh xã hội, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Phạm Hồng Chương cũng cho rằng, cần tăng cường việc chăm lo sức khỏe tinh thần và theo dõi sức khỏe thể chất cho người lao động. Cụ thể, đề nghị cần xem xét triển khai hỗ trợ tư vấn tâm lý cho lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp qua hệ thống công tác xã hội ở địa phương và trong hệ thống y tế. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, chăm sóc tại nhà cho người dân có nguy cơ hoặc bị nhiễm Covid-19. Triển khai rộng hơn, hiệu quả hơn mạng lưới bác sỹ gia đình, đặc biệt tại những tỉnh/thành phố có tình trạng đại dịch căng thẳng như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Đồng thời, cần tăng cường hoạt động khám và tư vấn chữa bệnh qua Telehealth cho người dân nói chung và S-Health cho người cao tuổi nói riêng.

Tùng Dương