Hệ thống ủy ban của nghị viện

Công xưởng có nhiệm vụ gì?

- Thứ Sáu, 19/08/2011, 07:34 - Chia sẻ
Nghị viện, giống như các tổ chức lớn khác, thực hiện được nhiều hoạt động hơn khi có sự phân chia nhiệm vụ và trách nhiệm giữa những nhóm làm việc nhỏ gọi là ủy ban. Trong cơ cấu tổ chức của nghị viện các nước, hệ thống ủy ban thường được ví von là “công xưởng của nghị viện”, là “Nghị viện thực sự làm việc”.

Điều này phần nào cho thấy các ủy ban có vị trí rất quan trọng trong các hoạt động của nghị viện. Phần lớn nghị viện các nước đều thành lập các ủy ban trong cơ cấu tổ chức của mình. Một khảo sát của Liên minh Nghị viện thế giới năm 1986 cho thấy, trong 83 nước được điều tra thì chỉ Quốc hội 2 nước không thành lập các ủy ban thường trực. Và hiện tại, hầu hết các Nghị viện trên thế giới đều dựa vào hệ thống ủy ban để tiến hành hoạt động.

Vai trò cơ bản nhất của các ủy ban nghị viện là làm tăng hiệu quả hoạt động của nghị viện. Toàn thể nghị viện là một diễn đàn quá lớn để xem xét các vấn đề mang tính chi tiết và kỹ thuật. Việc phân chia công việc xem xét, thẩm tra các dự án luật của nghị viện cho các ủy ban làm cho công việc của nghị viện được chia nhỏ thành các nội dung cụ thể và có thể được tiến hành song song với nhau. Ngoài phiên họp toàn thể để thông qua các dự luật, hoạt động của nghị viện diễn ra ở các ủy ban, tiểu ban là nơi thảo luận, chuẩn bị các kiến nghị, dự thảo nghị quyết để đưa ra phiên họp toàn thể xem xét, thông qua. Cách làm này tiết kiệm tối đa thời gian làm việc của nghị viện, nhất là trong điều kiện thời gian của nghị viện luôn luôn bị hạn chế.

Tổ chức nghị viện thành các ủy ban giúp cho các nghị sĩ phát huy khả năng chuyên môn của mình; có điều kiện đi sâu vào những vấn đề mình quan tâm; và đồng thời có điều kiện theo dõi tốt hơn các hoạt động của nhánh hành pháp trong lĩnh vực mình phụ trách cũng như dễ dàng hơn trong việc tạo ra mạng lưới các mối quan hệ có liên quan đến công việc của mình. Đây là một trong những lý do cơ bản mà nghị viện các nước thường tổ chức hệ thống ủy ban của mình có cấu trúc tương ứng với cấu trúc các bộ của cơ quan hành pháp. Theo báo cáo năm 1986 của Liên minh Nghị viện thế giới, trong tổng số 83 nước được điều tra, có khoảng 50 nước (chiếm 60,24%) có cơ cấu tổ chức hệ thống ủy ban tương ứng với cơ cấu của cơ quan hành pháp.


Nghị viện Indonesia

Ngoài ra, cơ chế hoạt động theo các ủy ban còn làm tăng thêm tính chắc chắn cho các quyết định của nghị viện trên cơ sở thông tin do hệ thống ủy ban mang lại. Có một thực tế là nghị viện phải ra quyết định dựa trên nguyên tắc đa số nhưng lại thường thiếu thông tin làm cơ sở cho các quyết định đó. Nhằm tăng thêm tính chắc chắn cho các quyết định của nghị viện, giải pháp được lựa chọn là Nghị viện thành lập và giao nhiệm vụ cho ủy ban gồm các nghị sĩ có chuyên môn để tiến hành thu thập và xử lý thông tin làm cơ sở cho các quyết định của nghị viện. Ủy ban cũng là diễn đàn phù hợp để tiếp nhận thông tin từ cử tri, các nhà chuyên môn và giới báo chí thông qua các phiên điều trần tại ủy ban. Rõ ràng những thông tin này có giá trị cho tất cả các thành viên còn lại và họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn với những thông tin nhận được từ những nghị sĩ có kinh nghiệm về lĩnh vực mà nghị viện đang xem xét thông qua, các quyết định của nghị viện sẽ phù hợp hơn với yêu cầu thực tế và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng.

Lê Anh