Chống lạm dụng xe công ở nước ngoài:

Công tư phân minh

- Thứ Tư, 05/10/2016, 08:49 - Chia sẻ
Tháng 1.2016, hình ảnh người đàn ông tóc bạc, tay chống ô, đang bình thản đợi tàu ở một ga nhỏ được đăng tải rộng rãi trên mạng Twiter. Ít ai ngờ rằng, đó chính là Thủ tướng đương nhiệm của Australia, ông Malcolm Turnbull.

Italy: Mạnh tay trong quản lý

Ông Malcolm không phải chính trị gia duy nhất không lựa chọn xe công cho việc di chuyển của mình. Thủ tướng trẻ tuổi Mateo Renzi của đất nước hình chiếc ủng cũng là người rất chủ động trong việc lựa chọn phương tiện đi lại cho bản thân. Người ta dễ dàng bắt gặp  ông Renzi tự tay lái chiếc ô tô nhỏ của mình đi làm hoặc thong thả đạp xe quanh các con phố nhỏ. Nghiêm túc như vậy nên Thủ tướng Italy rất “rắn tay” trong việc xử lý lạm dụng xe công.

Ngay sau khi lên nắm quyền vào tháng 2.2014, trước những suy thoái kinh tế nghiêm trọng, ông đã yêu cầu các lãnh đạo cấp quốc gia và địa phương buộc phải giảm lượng xe công vụ hạng sang, thứ vốn được coi là đặc quyền của chính giới Italy từ nhiều thập kỷ. Do có quá nhiều xe công cho bộ máy công quyền, ngân sách chi cho việc bảo dưỡng, nhiên liệu và trả lương lái xe… ở nước này đã lên đến con số 1 tỷ euro. Không thể để thực trạng này tiếp diễn, Thủ tướng Matteo Renzi đã rất kiên quyết và gay gắt trong việc giảm đội xe công trên cả nước từ 66.619 chiếc năm 2014 xuống còn 23.203 chiếc vào năm 2015. Thêm vào đó, chính phủ cũng giảm bớt gần 1 nghìn xe thuộc các bộ, trong đó có hơn 200 chiếc đã được rao bán trên mạng. Số tiền thu về sau khi đấu giá xe đạt tới 371.400 euro, góp phần làm giảm bớt sự bất bình của dân chúng khi các bộ chi tiêu quá mức.

Ngoài ra, nhà chức trách nước này còn dự kiến cho thuê một loạt xe công để lấy tiền bù vào ngân sách thiếu hụt. Chưa dừng lại ở đó, hồi tháng 3 vừa qua, chính quyền của Thủ tướng Matteo Renzi đã tiến hành xem xét đề xuất sửa đổi bổ sung Luật mua và thanh lý xe công. Theo đề xuất trên, việc lạm dụng xe công cho các công việc cá nhân sẽ bị quy kết tội lạm dụng chức vụ. Người vi phạm có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tùy mức độ vi phạm.

Các hành vi như sử dụng ngân sách mua sắm xe công vượt số lượng cho phép, không cung cấp thông tin chi tiết về việc sử dụng xe công hàng năm cũng bị coi là phạm pháp và bị xử phạt. Italy cũng cấm sử dụng các xe thuộc sở hữu của Chính phủ để đưa đón quan chức từ nhà riêng đến nhiệm sở.

Đức: Minh bạch mọi mặt

Việc sử dụng xe công vụ tại Đức cũng được quy định rất chặt chẽ. Còn nhớ năm 2009, chuyện hy hữu đã xảy ra khi nữ Bộ trưởng Y tế Đức lúc đó là Ulla Schmidt đã bị đạo chích “nẫng” mất chiếc xe công vụ trị giá 90.000 euro khi dùng xe đi nghỉ mát tại Tây Ban Nha. Ngay khi xảy ra vụ việc, giới báo chí, cánh chính trị gia đối lập và dân chúng đã lên tiếng phản đối bà Schmidt lạm dụng xe công. Dù biện minh việc điều lái xe vượt 2.400km tới Alicante là để tới các cuộc gặp gỡ mang tính chất công việc, bà Schmidt vẫn bị chỉ trích gay gắt. Người dân cho rằng: “Tiền thuế không thể bị lãng phí cho kỳ nghỉ của một bộ trưởng”.

Không phải không có nguyên do khi bà Schmidt bị phản đối gay gắt đến vậy. Tại Đức, các quy định cho các cấp, các ngành trong việc sử dụng xe công rất rõ ràng. Chỉ những thành viên chính phủ, trong đó có Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và quốc vụ khanh mới có tiêu chuẩn này. Trong một số trường hợp, dù được đãi ngộ, việc sử dụng xe vẫn phải tuân thủ một loạt các quy tắc nhất định. Nếu việc di chuyển đến địa điểm cần tới cách thủ đô khoảng 300km, có thể đi bằng các phương tiện khác như tàu hỏa, xe buýt... mà không ảnh hưởng đến công tác, thì các thành viên trong đoàn gồm cấp vụ và chuyên viên… tuyệt đối không dùng xe công.

Nếu đi lại bằng các phương tiện khác không đáp ứng được về mặt thời gian cho công việc hoặc mức chi phí ngang bằng sử dụng xe công vụ, việc điều xe công để đưa đón công chức mới được chấp nhận. Để giám sát chặt chẽ khâu sử dụng xe đúng mục đích, mỗi phương tiện thuộc sở hữu Nhà nước đều có sổ theo dõi, ghi chép thời gian, lịch trình đi lại, số kilômét đã đi và các chi phí sửa chữa (nếu có)… Việc theo dõi đó thể hiện sự minh bạch trong quá trình sử dụng tài sản chung cũng như chống lãng phí hiệu quả. Nói chung, bài toán kinh tế và tiết kiệm chi phí được đặt lên hàng đầu trong việc sử dụng của công ở quốc gia thịnh vượng này.

Ngọc Minh