Công nghệ nào cho xử lý rác thải đô thị?

- Thứ Sáu, 21/05/2021, 16:56 - Chia sẻ
Hiện nay, Việt Nam chủ yếu đang áp dụng công nghệ xử lý rác khá sơ đẳng. Phần lớn, lượng rác thải được xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Tại một số thành phố lớn, đã áp dụng phương pháp xử lý rác thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt điện. Tuy nhiên cho đến nay, chưa một công nghệ nào được công nhận đạt hiệu quả thực sự, thậm chí còn làm phát sinh thêm ô nhiễm.

Rác chủ yếu vẫn được xử lý theo hình thức chôn lấp

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, trên cả nước có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), gồm 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp, trong đó có chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt CTRSH để thu hồi năng lượng phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý.

Trên tổng khối lượng CTRSH được thu gom, khoảng 71% (tương đương 35.000 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chưa tính lượng bã thải từ các cơ sở chế biến compost và tro xỉ phát sinh từ các lò đốt); 16% (tương đương 7.900 tấn/ngày) được xử lý tại các nhà máy chế biến compost; 13% (tương đương 6.400 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp đốt. Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… tỷ lệ chôn lấp rác đạt đến gần 90%, thậm chí một số bãi chôn lấp tại các thành phố trên hiện đang quá tải, có khả năng gây ô nhiễm môi trường và thường gặp phải sự phản đối của người dân.

Hàng chục xe rác nối đuôi chờ đổ rác tại Bãi rác Nam Sơn. Ảnh: TTXVN

Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng PGS.TS Bùi Thị An cho biết, phần lớn bãi chôn lấp tiếp nhận CTRSH chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm dụng diện tích đất lớn, gây ô nhiễm môi trường do mùi hôi, khí thải, nước rỉ rác, nhiều trường hợp gây ra sự cố phải xử lý phức tạp và tốn kém.

Trung bình mỗi năm Việt Nam phát sinh 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó hơn 50% là chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Trong số 63 tỉnh, thành trên cả nước, 3/4 các tỉnh, thành phố có lượng rác trên 1.000 tấn/ ngày, đặc biệt một số đô thị phát sinh lượng rác thải lớn như Hà Nội 6.500 tấn/ ngày, TP Hồ Chí Minh là 9.100 tấn/ngày.

Nhiều công nghệ xử lý rác trong và ngoài nước đã được áp dụng tại Việt Nam như công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, đốt tiêu hủy, đốt phát điện, sản xuất phân compost…giải quyết một lượng lớn rác thải cho các địa phương, nhưng sau một thời gian áp dụng cũng bộc lộ một số bất cập, làm phát sinh những vấn đề ô nhiễm trường.

Cần cơ chế cụ thể thu hút tư nhân cùng tham gia

Với tốc độ gia tăng dân số hiện nay, cộng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, số lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng với tốc độ tăng trung bình ước tính trên 10%/ năm, việc xử lý chất thải rắn nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng ngày càng trở nên cấp thiết. Nhưng yêu cầu hàng đầu của các công nghệ xử lý rác là phải an toàn. Sau đó là tính hiệu quả, tính kinh tế.

Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty CP Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân cho biết, tùy từng đặc thù của nơi xả nguồn rác thì rác sẽ khác nhau. Tùy mức độ tập trung hay phân tán mà sẽ chọn công nghệ xử lý rác khác nhau. Về nguyên tắc, ngoài chôn lấp thì công nghệ nào cũng có thể biến rác thành vật hữu dụng. Tuy nhiên, chúng ta không nên áp dụng những loại công nghệ xử lý rác quá cũ, đặc biệt là những công nghệ đốt rác, vì công nghệ cũ chưa xử lý được các loại khí thải ra từ quá trình đốt rác, dẫn tới ô nhiễm môi trường.

“Hiện nay, rác không phải là rào cản. Chúng ta xử lý được nhưng sẽ xử lý như thế nào và làm như nào để thu hút được nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia”, ông Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh

Ông Nguyễn Quang Huân cũng cho biết, hiện nay với những công nghệ mới đã hoàn toàn có thể các vấn đề về môi trường trong quá trình xử lý rác. Như công nghệ syngas với tỷ lệ rác cặn sau khi xử lý chỉ còn khoảng 2%, trong khi đó mức độ cho phép ở mức 5% (công nghệ thông thường hiện nay tỷ lệ rác cặn chiếm đến 30%). Hơn nữa công nghệ này không thải ra khí độc hại, không dùng nguồn điện năng từ bên ngoài, nghĩa là điện tự sản xuất, tự vận hành. Nguồn điện năng phát ra từ khâu xử lý rác đủ lớn để phát lên lưới điện quốc gia với công suất khoảng 200 triệu kWh/năm. Đặc biệt, với công nghệ này khâu phân loại rác có thể bỏ qua. Rác sau khi đốt sẽ thành khí, chứa năng lượng để sản xuất điện và than cốc sử dụng trong công nghiệp luyện kim và sản xuất xi măng. Tuy nhiên, công nghệ này chỉ có thể làm ở những nơi có lượng rác thải tập trung trên 500 tấn/ngày trở lên. Với những địa phương có lượng rác thải ít hơn thì có những công nghệ khác như vi sinh, bigogas…Tùy từng địa phương, điều kiện kinh tế mỗi nơi chúng ta có thể áp dụng công nghệ phù hợp.

“Hiện nay, rác không phải là rào cản. Bây giờ, không phải là chúng ta không thể xử lý được, vấn đề là chúng ta xử lý được nhưng sẽ xử lý như thế nào và làm như nào để thu hút được nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia”, ông Nguyễn Quang Huân nhấn manh.

Để những công nghệ và những giải pháp tương tự ngày càng được nhân rộng và phát triển, theo ông Nguyễn Quang Huân, nhà nước cần có cơ chế, chính sách, để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ. Sau đó, chính quyền, người dân cần thực hiện thực hiện đúng chính sách của nhà nước. Vì tại Việt Nam cũng đã có rất nhiều luật, chính sách quy định về các vấn đề xử lý rác, môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện các luật, chính sách đó lại không triệt để. Có những luật, nghị định quy định là một chuyện nhưng thực hiện như thế nào lại tùy vào mỗi địa phương. Tại Việt Nam sau khi thông qua luật xong lại phải có thông tư hướng dẫn, trong lúc thông tư, hướng dẫn chưa ra thì có thể luật đã có hiệu lực nhưng việc thực hiện lại mỗi nơi một khác.

Ngoài ra cũng cần tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng, doanh nghiệp. Kêu gọi đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp và đồng thời cũng nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư tại nơi doanh nghiệp hoạt động, để cộng đồng sẽ là người giám sát hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ cho các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương.

Xuân Tùng