Cộng hưởng ước nguyện, niềm tin và tự hào

- Thứ Tư, 06/01/2021, 08:26 - Chia sẻ
Đúng vào ngày 6 tháng Giêng năm 1946, những giai điệu trong bài hát “Ngày Quốc hội” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã vang khắp phố phường Hà Nội, cổ động không khí ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam. 70 năm sau, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận - có sáng tác “Bài ca Quốc hội Việt Nam”, không chỉ như một sự tiếp nối truyền thống gia đình mà còn gửi gắm ước nguyện, niềm tin và lòng tự hào về cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đại biểu Quốc hội Khóa XI, chia sẻ quá trình sáng tác ca khúc này.

Truyền thống vẻ vang

- 5 năm trước, vào dịp kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát động đợt sáng tác các bài ca về Quốc hội. Sự hưởng ứng của các nhạc sĩ lúc đó như thế nào, thưa ông?

- Lúc đó, giới nhạc sĩ Việt Nam rất hào hứng, chúng tôi đã nhận được rất nhiều tác phẩm ở các thể dạng khác nhau, có bài ca ngợi, có bài mang tính hành khúc, có bài hợp xướng... Vì hình tượng và truyền thống vẻ vang 70 năm của Quốc hội, hơn nữa đó còn là niềm tin, sự gửi gắm ước nguyện của toàn dân vào cơ quan đại diện cao nhất của mình, nên chỉ 6 tháng sau khi phát động, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi có nhiều nhạc sĩ lão thành như Phạm Minh Tuấn, Trọng Bằng, rồi Đức Trịnh, Vũ Duy Cương… đều có các bài hát về Quốc hội.

Với cá nhân tôi, khi đó, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà chính trị Vũ Mão - đại biểu Quốc hội nhiều khóa - trao đổi là cần có bài hát để ca ngợi lịch sử, truyền thống của Quốc hội, tiếp nối các bài hát những thời kỳ trước. Bài hát đó tuy mang tính chính trị, lịch sử, nhưng vẫn phải nhắc tới những ngày đầu tiên của Quốc hội Việt Nam.

- Và những ngày đầu tiên của Quốc hội Việt Nam với ông là…?

- Tôi có kỷ niệm sâu sắc với ngày 6 tháng Giêng năm 1946, khi ngay hôm ấy đã vang lên bài ca “Ngày Quốc hội” do cha tôi - nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác. Như ông viết trong hồi ký, trong không khí của Hà Nội lúc bấy giờ, toàn dân, đặc biệt là thanh niên, hát các bài hát cách mạng như “Tiến về Hà Nội”, “Tiến quân ca”, “Diệt phát xít”… cần có bài hát cụ thể cổ động cho cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, và ông đã lập tức viết “Ngày Quốc hội”. Bài hát trở thành một trong những ca khúc tiêu biểu trong ngày tổng tuyển cử đầu tiên, song bị thất truyền một thời gian dài. Mãi đến năm 2011, từ lá thư của thầy giáo đã nghỉ hưu Phạm Văn Nùng, tôi đã nghe bác hát và ghi lại bài hát đó, dàn dựng lại tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Có thể nói, từ bài hát về cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của cha mình, cho đến nhiệm vụ của thế hệ nhạc sĩ chúng tôi ngày nay, với gợi ý của anh Vũ Mão, tôi đã sáng tác nên “Bài ca Quốc hội Việt Nam”.

Biểu tượng đoàn kết toàn dân

- Như ông vừa chia sẻ, các nhạc sĩ đã rất hào hứng hưởng ứng sáng tác ca khúc về Quốc hội Việt Nam. Hơn nữa, cha ông cũng từng sáng tác về chủ đề này. Vậy ông có cảm thấy bị áp lực hay gặp khó khăn khi sáng tác “Bài ca Quốc hội Việt Nam” không?

- Trước khi đặt bút viết những nốt đầu tiên của một tác phẩm âm nhạc, mỗi người sáng tác đều băn khoăn chọn lựa chủ đề và thể loại. Chúng ta đã bước vào thập kỷ thứ 3 của thế kỷ XXI, âm nhạc không còn đơn giản như các ca khúc của những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà được nâng tầm lên. Sáng tạo của các nhạc sĩ mang tầm chuyên nghiệp. Một bài hát không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chính trị như một bài ca tuyên truyền cổ động, mà còn phải mang tính nghệ thuật.

Đó là yêu cầu về mặt âm nhạc. Còn chủ đề ở đây thì rõ ràng là ca ngợi Quốc hội Việt Nam, song chúng ta không chỉ phải tìm ra nội dung mới để tránh lặp lại hoặc chỉ là bài hát mang tính cổ động, mà ở đó còn phải gửi gắm tình cảm, cũng không chỉ của cá nhân nhạc sĩ mà phải cộng hưởng tiếng nói của Nhân dân. Tôi chọn chủ đề chính cho ca khúc của mình là niềm tin.

- Và công trình Nhà Quốc hội được lựa chọn để thể hiện niềm tin ấy?

- Tôi có rất nhiều cảm xúc với công trình Nhà Quốc hội, biểu tượng của tình đoàn kết, của truyền thống lịch sử dân tộc 4.000 năm, với hai hình khối là hình tròn và hình vuông như bánh chưng, bánh dày, cũng như trời và đất. Chính điều đó gợi lên lòng tự hào, nó như ngọn hải đăng để toàn dân hướng về Quốc hội với niềm tin đất nước ngày càng mạnh giàu, dân tộc ngày càng phát triển.

Với giai điệu sảng khoái, hùng tráng, “Bài ca Quốc hội Việt Nam” chỉ gồm 2 đoạn, đoạn đầu hồi tưởng từ Một ngày mùa thu tháng Tám cách mạng thành công/Lời Người tuyên ngôn độc lập vang rền núi sông, cho đến hôm nay bừng sáng tòa nhà Quốc hội như một biểu tượng đoàn kết toàn dân. Ngày mới lên rồi Nhà Quốc hội nhân dân/Biểu tượng “trời tròn đất vuông” truyền thuyết “bánh chưng bánh dày”/ hội tụ về đây ý chí niềm tin…

- Sau khi ra đời, “Bài ca Quốc hội Việt Nam” đã được đón nhận thế nào, thưa ông?

- Nhiều khán thính giả, trong đó có đại biểu Quốc hội đương nhiệm cũng như cùng Khóa XI với tôi, sau khi nghe bài hát chia sẻ rằng, bài hát nói được nhiều ý nghĩa, trong đó có ý Nhà Quốc hội mới không chỉ là một ngôi nhà thông thường mà ở đó tập trung trí tuệ, tài năng, trách nhiệm của những công dân ưu tú đã được cử tri cả nước tín nhiệm bầu ra; thể hiện tình cảm, tập hợp ý chí, nguyện vọng, cũng chính là nơi lắng nghe tiếng nói của Nhân dân. Từ những bản nhạc, làm tăng thêm niềm tin, sức mạnh đoàn kết, đồng thời hứa hẹn tương lai tươi sáng.

Tôi tin rằng, cùng với những bài hát về Quốc hội của các nhạc sĩ trong các giai đoạn khác nhau, đặc biệt khi chúng ta sắp bước vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, âm nhạc sẽ đóng vai trò quan trọng, tạo không khí hào hứng, tin tưởng, khơi dậy ý thức công dân của mỗi người con đất Việt trước vận mệnh Tổ quốc, trước cơ hội mới, thách thức mới của dân tộc.

- Xin cảm ơn ông!

Hương Linh thực hiện