Đề xuất bổ nhiệm thẩm phán không nhiệm kỳ

Còn nhiều băn khoăn

- Chủ Nhật, 17/01/2021, 08:48 - Chia sẻ
Dự thảo đánh giá 5 năm thi hành Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân 2014 vừa đưa ra đề xuất bổ nhiệm thẩm phán không có nhiệm kỳ. Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm về tính khả thi, cũng như thời gian nhiệm kỳ với những điều kiện và lộ trình cụ thể.

Loại bỏ áp lực khi tái bổ nhiệm

Hiện nay, cơ chế thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời đang được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Ở Mỹ, các thẩm phán tòa án tối cao được bổ nhiệm trọn đời và khi một trong những thẩm phán này từ chức hoặc qua đời, việc chọn người thay thế sẽ bắt đầu. Một số nước khác, thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời nhưng bị giới hạn bởi tuổi nghỉ hưu bắt buộc như các thẩm phán ở Canada có thể giữ chức vụ đến khi nghỉ hưu hoặc 75 tuổi và có thể bị miễn nhiệm nếu không đủ năng lực làm việc hoặc có hành vi sai trái.

Trong khi đó, theo Điều 74 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định nhiệm kỳ đầu đối với Thẩm phán là 5 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. Quy định nhiệm kỳ tuy đã có đổi mới nhưng vẫn cần được cân nhắc thêm vì chưa tạo tâm lý yên tâm công tác cho các thẩm phán. Bởi, theo nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Thúy Hiền, mỗi lần tái bổ nhiệm phải theo trình tự, thủ tục khiến thẩm phán có nguy cơ phải chịu áp lực nhất định. Những áp lực này dễ tác động vào công tác xét xử của thẩm phán.

Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng chia sẻ, có rất nhiều vụ án đã bị kéo dài thời gian do thẩm phán đang trong thời gian chuyển hồ sơ để chờ tái bổ nhiệm. Bởi, mỗi lần làm thủ tục tái bổ nhiệm rất mất thời gian, chưa kể trên thực tế có rất ít trường hợp được tái bổ nhiệm đúng thời hạn khi hết nhiệm kỳ. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của tòa án, của luật sư cũng như của toàn xã hội. Thậm chí, có nhiều thẩm phán vừa xử vừa lo lắng án bị sửa, bị hủy sẽ không được hoặc khó khăn trong quá trình tái bổ nhiệm.

Khắc phục khó khăn này, Dự thảo báo cáo đánh giá 5 năm thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 đã đề nghị sửa đổi Điều 74 theo hướng bổ nhiệm không có nhiệm kỳ nhằm tạo điều kiện cho thẩm phán trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng xét xử. Đối với những thẩm phán không đủ điều kiện thì đã có quy định về cách chức thẩm phán theo quy định tại Điều 82 của Luật hoặc xử lý theo Quyết định 120/2017 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối Tối cao về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp.

Một phiên xử giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao

Nguồn: ITN 

Cần có lộ trình

Theo nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Trần Văn Độ, để tiến tới quy định bổ nhiệm thẩm phán suốt đời phải đáp ứng 3 điều kiện. Thứ nhất, cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán phải khoa học, khách quan, thực sự chọn được những người có năng lực. Thứ hai, cách nhìn nhận, đánh giá của xã hội đối với vai trò của tư pháp. Thứ ba, Việt Nam gần như là nước duy nhất coi thẩm phán là công chức nhà nước mà không phải là một ngạch cán bộ riêng.

Đồng tình với đề xuất bổ nhiệm thẩm phán không có nhiệm kỳ, Luật sư Nguyễn Sơn Lâm - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khi đã đủ điều kiện làm công tác truy tố, xét xử thì bổ nhiệm một lần là phù hợp và đỡ tốn kém nhiều mặt. Song, luật cần quy định rõ tiêu chuẩn bổ nhiệm và miễn nhiệm, cách chức. Muốn làm được điều này phải có sự chuẩn bị, có lộ trình, các quy định phải chặt chẽ từ khi bắt đầu tuyển chọn người vào ngành. Đồng thời, cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán phải khách quan, độc lập.

Theo nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Trần Văn Độ, bổ nhiệm thẩm phán không có nhiệm kỳ là quy định có nhiều điểm lợi, nhất là bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán mà Hiến pháp đã quy định, để thẩm phán không chịu tác động nào từ bên ngoài khiến phán quyết thiếu khách quan; cũng như tránh tư tưởng “an toàn nhiệm kỳ”. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có lộ trình và những điều kiện cụ thể. Còn trong điều kiện hiện nay chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu của thẩm phán Tòa Tối cao.

Trái ngược với quan điểm bổ nhiệm thẩm phán suốt đời, có ý kiến cho rằng quy định như hiện hành là phù hợp. Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Thế Lệ cho biết, thẩm phán có rất nhiều quyền lực, nên cần phải có cơ chế 5 năm, 10 năm để tránh việc có quyền lực suốt đời. Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn phân tích, thẩm phán cũng như những viên chức, công chức trong bộ máy Nhà nước, ngành nghề nào cũng có áp lực riêng. Trong khi đang cố gắng xóa bỏ chế độ viên chức suốt đời thì đề xuất bổ nhiệm thẩm phán suốt đời là đi ngược lại xu thế.

Trên thực tế, khi được bổ nhiệm suốt đời không có nghĩa là thẩm phán sẽ làm việc suốt đời mà không chịu bất kỳ sự giám sát nào. Theo Trưởng Phòng Pháp luật Kinh tế, Viện nhà nước và Pháp luật Ngô Vĩnh Bạch Dương, kể cả khi đã trở thành thẩm phán suốt đời nhưng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức và ứng xử của thẩm phán, hoặc qua giám sát phát hiện thẩm phán bị hạn chế về năng lực nghề nghiệp thì vẫn có thể bị bãi miễn như một hình thức kỷ luật. Mặt khác, với những thẩm phán có đủ năng lực, có nguyện vọng gắn bó với công việc, cần có cơ chế để họ yên tâm công tác, trước mắt có thể kéo dài thời gian thời gian nhiệm kỳ để tránh những xáo trộn trong quá trình công tác.

Hiểu Lam