Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí

Còn nể nang, né tránh?

- Thứ Sáu, 28/05/2021, 06:28 - Chia sẻ
Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được thảo luận với thời gian tương xứng, đúng với tầm quan trọng thay vì chỉ gửi đến các đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Nhấn mạnh điều này, trong phiên họp chiều qua, 27.5, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần nâng cao hơn nữa chất lượng Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiến hành thảo luận tại tổ và hội trường, cần thiết sẽ truyền hình, phát thanh trực tiếp, với tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng gắn liền với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thiệt hại trong lãng phí không thua kém tham nhũng

Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cùng với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, được Quốc hội thể chế hóa bằng một đạo luật, quy định thực hành tiết kiệm chống lãng phí không chỉ ở khu vực công mà ở cả khu vực tư. Trong bối cảnh, điều kiện nước ta còn nghèo, thiệt hại do lãng phí gây ra không thua kém gì so với tham nhũng, thậm chí, nhiều vấn đề lãng phí các nguồn lực còn trầm trọng hơn, lớn hơn. Vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, phải hết sức coi trọng vấn đề này trong các hoạt động của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tại phiên họp Ảnh: Hồ Long
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tại phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, năm 2020, thực hành tiết kiệm chống lãng phí đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, vượt qua những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19, nhưng với sự sát sao trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ đã ban hành sớm Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (23.1.2020 - sớm hơn so với năm trước); xây dựng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành có lồng ghép các nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ban hành nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các vấn đề lớn, quan trọng… tạo tiền đề thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, “việc đẩy mạnh thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế là một điểm sáng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng giảm bớt những bất cập, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, gắn kết chặt chẽ với chính sách tinh giản biên chế. Đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (giảm 6 đơn vị cấp huyện và 546 đơn vị cấp xã). Năm 2020 cũng thực hiện tinh giản biên chế được 23.896 người. Công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt; tăng cường họp, làm việc trực tuyến, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhờ đó tiết kiệm được khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN tiếp tục được mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại qua biên giới; giúp cải thiện năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của Việt Nam.

Không có địa chỉ và thiếu tính phản biện

Tuy là báo cáo thường niên trình Quốc hội, song, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ, các Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thẳng thắn, báo cáo của các bộ, ngành vẫn còn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào thực chất.

Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã bám sát nội dung cốt lõi của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Quyết định 166 ngày 23.1.2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020 hay chưa? Đặt câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dù mỗi năm đã có cố gắng hơn, nhưng Báo cáo vẫn chưa nêu bật được thành tích lớn nhất trong năm 2020 là gì, tiến bộ gì so với trước đây. Ngược lại, tồn tại, hạn chế, yếu kém cũng được chỉ ra chung chung, không có địa chỉ và thiếu tính phản biện. Phải chăng chúng ta vẫn còn nể nang, né tránh? Nhắc lại tinh thần của Thủ tướng Chính phủ ở đâu tốt phải khen, bộ ngành nào, địa phương nào làm tốt, mô hình nào hay phải nhân rộng; bộ ngành nào yếu kém, địa phương nào sai phạm phải phê bình, kỷ luật, rất rõ ràng và minh bạch, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, trong báo cáo chưa thấy chỗ nào điển hình, chỗ nào cá nhân, tập thể được vinh danh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, có 3 lĩnh vực cần được quan tâm trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Ở khu vực công cần chú ý đến tài chính, ngân sách nhà nước, tín dụng nhà nước, tài chính công, tài sản công, tài sản trong các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng có cổ phần nhà nước, doanh nghiệp nhà nước… Lĩnh vực thứ hai là tài nguyên, đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường. Lĩnh vực thứ ba là hộ kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân, xã hội… Ví dụ, trong vấn đề tài chính, chúng ta nói đến cân đối để chi thì cân đối chi ngân sách thất thoát, lãng phí, hao tổn nguồn lực như thế nào? Năm 2019, chi thường xuyên còn đến 65,3%, vượt chỉ tiêu của Quốc hội, còn năm 2020 là bao nhiêu? Báo cáo của Chính phủ chưa có số liệu để chứng minh tiết kiệm chi thường xuyên như thế nào. Hay trong tín dụng nhà nước cũng không thấy đánh giá tồn tại. Trong lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, câu chuyện chậm cổ phần hóa chính là thất thoát, lãng phí. Việc xử lý các doanh nghiệp yếu kém trong ngành công thương đến đâu, xử lý các ngân hàng thua lỗ, nhất là ngân hàng 0 đồng như thế nào - cả Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra đều không đề cập.

Vấn đề mua sắm công cũng đang còn nhiều lúng túng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chúng ta đã phát sinh nhiều sai phạm và đã khởi tố xử lý theo Luật Phòng, chống tham nhũng. Nhưng ở đây, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm hay không? Khi anh hướng dẫn nhưng không nói rõ trường hợp cấp bách được chỉ định thầu. Điều này dẫn đến tâm lý, hiện nay đâu đâu cũng sợ mua sắm vật tư, thiết bị công. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn. Cần rà soát kỹ xem hướng dẫn đã kỹ càng và đầy đủ chưa. Câu chuyện trạm thu phí BOT đặt không đúng chỗ cũng cần được sớm xem xét xử lý. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị dùng ngân sách mua lại, nhưng ngân sách có hạn; nếu cứ để như vậy, không thu được thì lãng phí nguồn lực, mà thu phí thì thu như thế nào cho đúng? Những vấn đề này, theo Chủ tịch Quốc hội, phải giải quyết sớm, không thể để “nhì nhằng” mãi được…

Vấn đề đất đai cũng “nói đi, nói lại” nhiều lần. Quốc hội đã có giám sát việc sử dụng đất ở các công ty nông, lâm trường. Nhưng vừa qua, khi đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp thì tình trạng vẫn thế. Dân vẫn thiếu đất sản xuất, nhưng nông, lâm trường vẫn giữ nhiều đất hơn so với nhu cầu thực tế. Diện tích đất nông, lâm trường bàn giao về địa phương chưa có kế hoạch quy hoạch sử dụng đất. Rõ ràng sử dụng tài nguyên đất chưa hiệu quả.

Liên quan đến khu vực tư nhân, hộ kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân, xã hội, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát xem tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình hành động liên quan đến thực hành tiết kiệm chống lãng phí như thế nào.

Nêu những vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần phải được thảo luận với thời gian tương xứng, đúng với tầm quan trọng của vấn đề này thay vì chỉ gửi đến các đại biểu Quốc hội. Cần nâng cao hơn nữa chất lượng Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trình Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường, "cần thiết sẽ truyền hình, phát thanh trực tiếp, với tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng gắn liền với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", Chủ tịch Quốc hội nói. 

Ý Nhi