Con đường sắp tới vinh quang

- Thứ Hai, 09/11/2020, 07:02 - Chia sẻ
Có thể nói, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay được ví như một bộ phim Holywood với những nút thắt, cao trào ngoạn mục, và theo các hãng truyền thông lớn của nước này, ứng cử viên Dân chủ Joe Biden gần như nắm chắc phần thắng. Không chỉ được tuyên vượt quá 270 số phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử, ông còn là ứng viên nhận được nhiều phiếu phổ thông nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ. Trong bối cảnh đất nước bị chia rẽ nghiêm trọng, gánh nặng đặt lên vai vị tổng thống thứ 46 của Mỹ không hề nhẹ nhàng.

Đã đến lúc hàn gắn nước Mỹ

Cuộc bầu cử năm nay tại Mỹ được định hình bởi đại dịch Covid-19 với hơn 230.000 người thiệt mạng. Những lo ngại về nguy cơ sức khỏe khiến nhiều cử tri chọn bỏ phiếu qua đường bưu điện, dẫn đến việc kiểm đếm chậm hơn so với các lần bầu cử trước. Bốn ngày sau bầu cử, kết quả mới trở nên rõ ràng hơn để các hãng tin tức tuyên bố ai là người chiến thắng. Sáng 7.11 (giờ Mỹ), các hãng truyền thống lớn, nhỏ của Mỹ đồng loạt tuyên bố ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã đắc cử tổng thống. Động thái này được đưa ra sau khi kết quả kiểm phiếu tại bang Pennsylvania cho thấy, ông Biden dẫn trước đối thủ Donald Trump đến hơn 30.000 phiếu khi mà 99% số phiếu đã được kiểm. Thắng lợi tại bang chiến trường quan trọng trên mang về thêm 20 phiếu đại cử tri, giúp ông Biden vượt qua mốc 270 phiếu cần thiết để trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng. Thực tế, chiến thắng lịch sử của ông Biden năm nay có công lớn của ít nhất 3 trong số các bang chiến trường gồm: Pennsylvania, Michigan và Wisconsin. Các bang trên từng bầu cho ông Donald Trump năm 2016 nhưng nay đã chuyển hướng ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ.

Nguồn: CNN

Ứng cử viên Biden được truyền thông tuyên bố chiến thắng vào một ngày có ý nghĩa đối với đảng Dân chủ, bởi đã 48 năm kể từ khi ông lần đầu tiên được bầu vào Thượng viện Mỹ tại bang quê hương Delaware. Năm 1988 và 2008, ông từng nỗ lực trong hai cuộc vận động tranh cử tổng thống nhưng đều thất bại. Sau đó, ông đảm nhiệm vị trí Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama trong giai đoạn 2009 - 2017. Và “quá tam ba bận”, ông đã cán đích ở lần cố gắng thứ ba.

Điều làm ông Biden tự hào không kém là đã trở thành ứng cử viên tổng thống nhận được nhiều lá phiếu phổ thông nhất trong lịch sử nước Mỹ, với hơn 74 triệu phiếu, hơn đối thủ 3 điểm %. Con số này phá kỷ lục mà Tổng thống Barack Obama từng thiết lập năm 2012.

Chính vì thế, trong bài phát biểu chiến thắng đầu tiên, ông Biden nhấn mạnh, chiến thắng của ông là “chiến thắng của nhân dân”: “Thưa mọi người, nhân dân của đất nước này đã lên tiếng. Họ đã đem đến cho chúng tôi một chiến thắng rõ ràng. Một chiến thắng thuyết phục”.

Cựu Phó Tổng thống liên tục tìm cách củng cố thông điệp của mình trong suốt chiến dịch tranh cử, rằng ông sẽ phấn đấu trở thành tổng thống vì tất cả người Mỹ, bất kể họ có bỏ phiếu cho mình hay không. “Tôi sẽ là tổng thống của sự đoàn kết, người không nhìn bang đỏ hay bang xanh, mà chỉ nhìn thấy một Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”.

Theo ông Biden, đây là thời điểm các bên ở nước Mỹ “cùng lắng nghe nhau”, “cùng cho nhau cơ hội”, chứ không phải chia rẽ đất nước. Ông khẳng định “đây là lúc để dẹp đi những lời lẽ chói tai, để hạ nhiệt, để nhìn vào nhau một lần nữa, để lắng nghe nhau trở lại, và để đạt được tiến bộ”.

Về những người ủng hộ ông Donald Trump, ông Biden nói: “Chúng ta phải ngừng xem đối thủ của mình là kẻ địch. Họ không phải là kẻ thù của chúng ta. Họ là người Mỹ. Đây là lúc để hàn gắn nước Mỹ”. Theo ông Biden, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có thể hợp tác với nhau, đồng thời tin rằng đây là “một phần trong những điều mà nhân dân Mỹ đã ủy thác và kêu gọi”.

Trong niềm hân hoan, bà Kamala Harris - người sẽ trở thành nữ phó tổng thống Mỹ da màu đầu tiên của nước Mỹ xúc động chia sẻ, cử tri đã bỏ phiếu “cho sự bình đẳng và công lý trong cuộc sống của chúng ta, cho hành tinh của chúng ta”, “đã chọn hy vọng, thống nhất, sự đàng hoàng, khoa học và sự thật”. Bà đồng thời ca ngợi người liên danh với mình: “Joe là người chữa lành, đem đến sự đoàn kết, là bàn tay vững vàng đã được tôi luyện, người mà những kinh nghiệm mất mát của chính bản thân đã mang đến cho ông mục đích giúp đất nước lấy lại ý thức về mục đích của chính mình”. “Để đoàn kết đất nước và hàn gắn tâm hồn dân tộc, con đường phía trước sẽ không dễ dàng. Nhưng nước Mỹ đã sẵn sàng. Tôi và Joe cũng vậy”.

Trong lời chúc mừng tới liên danh Joe Biden - Kamala Harris, cựu Tổng thống Barack Obama đã không quên nhắc nhở: “Khi bước vào Nhà Trắng vào tháng Giêng tới, ông ấy sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức phi thường mà chưa tổng thống sắp tới nào vấp phải - một đại dịch đang hoành hành, một nền kinh tế, một nền dân chủ còn đang gặp rủi ro và một môi trường nguy hiểm”.

Tràn ngập lời chúc và kỳ vọng

Mặc dù phải đến tháng 12, cử tri đoàn Mỹ mới bỏ phiếu để công nhận kết quả bầu cử tổng thống chính thức và trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đe dọa phát động một cuộc chiến pháp lý về kết quả kiểm phiếu ở một số bang chiến trường quan trọng, nhưng ngay sau khi các hãng truyền thông của Mỹ đồng loạt đưa tin về người đã đắc cử tổng thống Mỹ 2020, lãnh đạo thế giới đã dồn dập gửi lời chúc mừng tới ông Biden kèm theo vô vàn kỳ vọng về chính quyền Washington mới. Sau 4 năm, Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi các thể chế quốc tế đa phương, cùng một loạt hiệp định, thỏa thuận lớn để tập trung ưu tiên vào những vấn đề trong nước, cộng đồng quốc tế hy vọng nước Mỹ dưới thời chính quyền mới sẽ tham gia nhiều hơn trên các lĩnh vực toàn cầu như thương mại, an ninh, y tế, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Bởi mới đây nhất, chỉ một ngày sau ngày bầu cử 3.11, Mỹ đã chính thức rút khỏi Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris, vốn là cam kết của cả thế giới nhằm đối phó với sự nóng lên của Trái đất.

Trên Twitter, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern viết những lời chúc mừng tốt đẹp đầu tiên tới ông Joe Biden và bà Kamala Harris. “Với rất nhiều vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, chúng tôi chia sẻ thông điệp đoàn kết của các vị. New Zealand mong được hợp tác với cả hai vị!” 

Thực tế, Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama mới là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới gửi lời chúc mừng tới ông Biden, thậm chí trước khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ được truyền thông chính thức công bố.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người mà ông Donald Trump thường xuyên chỉ trích, cũng tuyên bố, bà coi cuộc đua tổng thống Mỹ đã kết thúc. “Tôi đang mong đợi sự hợp tác trong tương lai với Tổng thống Biden. Tình bạn xuyên Đại Tây Dương của chúng ta là không thể thay thế, nếu chúng ta muốn vượt qua những thách thức lớn trong thời gian này”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thì tỏ ra lạc quan về tương lai đối tác chiến lược với Mỹ, cũng như tin rằng việc ông Biden đắc cử tổng thống sẽ “mang lại tình bạn bền chặt hơn giữa hai quốc gia”. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump từng gây áp lực Ukraine phải điều tra đối thủ Biden và gia đình, làm dấy lên các thủ tục luận tội chống lại tổng thống của đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Ireland Michael Martin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thái tử UAE Abu Dhabi Mohammed bin Zayed Al Nahyan, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi, Tổng thống Iraq Barham Salih, Quốc vương Oman Haitham bin Tariq Al-Said, Quốc vương Jordan Abdullah, Tổng thống Lebanon Michel Aoun và hàng loạt nhà lãnh đạo thế giới khác cũng nhanh chóng lên tiếng chúc mừng tổng thống đắc cử của Mỹ kèm nhiều kỳ vọng hợp tác giải quyết các vấn đề lớn của thế giới và khu vực.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel mong chờ được làm việc với tân tổng thống Mỹ, cùng kêu gọi “quan hệ đối tác bền vững”, bởi EU và Mỹ vừa là bạn bè vừa là đồng minh. Thời gian qua, quan hệ đôi bên đã rạn nứt nghiêm trọng vì nhiều vấn đề, nhất là thuế quan có lúc căng thẳng đến mức suýt leo thang thành cuộc chiến thương mại.

Tuy nhiên, có vẻ như Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg mới là người hài lòng hơn cả, bởi ông luôn đánh giá ông Joe Biden là “người ủng hộ kiên định” của liên minh quân sự này. Ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Tôi không thể chờ đợi thêm nữa để làm việc chặt chẽ với ông ấy. Một NATO vững mạnh không chỉ tốt cho Bắc Mỹ, mà còn tốt cho châu Âu”. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, NATO hứng chịu vô vàn chỉ trích từ phía Washington, như cáo buộc các nước trong liên minh “ăn bám” Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng, đồng thời yêu cầu họ phải đóng góp nhiều hơn. Thậm chí, ông Donald Trump còn đánh giá NATO “tệ không kém gì NAFTA”, hiệp định thương mại Bắc Mỹ mà nhà lãnh đạo này coi là mối đe dọa an ninh của Mỹ.

Mặc dù, đến chiều 8.11, giờ Việt Nam, Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về chiến thắng của ông Biden nhưng giới chuyên gia nước này nhận định, chính sách cơ bản của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi dù dưới thời ông Biden. Tuy nhiên, chính quyền mới sẽ nghiêng về cạnh tranh chiến lược và an ninh hơn là thuế quan và thương mại. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump vẫn đang rất nóng, đánh dấu bởi cuộc chiến thương mại “vô tiền, khoáng hậu” đầy căng thẳng.

Linh Anh