Con đường ổn định quan hệ Mỹ - Trung

- Thứ Hai, 07/12/2020, 08:33 - Chia sẻ
Với những diễn biến của quan hệ Mỹ - Trung thời gian qua, Tổng thống đắc cử Joe Biden khó có thể thay đổi các nguyên lý cơ bản trong chính sách cứng rắn của Tổng thống Donald Trump. Nhưng nếu ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết tâm chính trị đủ nhiều, họ có thể làm giảm tình trạng căng thẳng hiện nay để đưa mối quan hệ giữa hai cường quốc về đúng quỹ đạo.

Lợi ích của sự ổn định

Đề ra một chiến lược hiệu quả để cạnh tranh, hợp tác và cùng tồn tại ổn định với Trung Quốc sẽ là một thách thức trong chính sách đối ngoại khó khăn nhất đối với Tổng thống đắc cử Joe Biden. Bởi trong hai tháng tới, quan hệ Trung - Mỹ gần như chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã công khai đổ lỗi cho Trung Quốc về việc đại dịch Covid-19 có thể kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của ông. Giờ đây, khi sắp rời Nhà Trắng, vị chủ nhân nóng tính này nhiều khả năng sẽ sử dụng các biện pháp trả đũa Trung Quốc mạnh mẽ hơn để trút giận về thất bại bầu cử của mình cũng như để trói tay trói chân chính quyền sắp tới của Biden. Ngay cả khi Trung Quốc biết rằng họ cần kiềm chế trước những “phát súng chia tay” của Donald Trump, một số trong đó có thể quá khó để họ bỏ qua. Khi đó, mối quan hệ Mỹ - Trung mà Biden tiếp quản có thể bị tổn hại tới mức ít có cơ hội sửa chữa.

Với ác cảm mạnh mẽ hiện nay của chính giới cũng như công chúng Mỹ đối với Trung Quốc, ông Biden khó có thể thay đổi các nguyên lý cơ bản trong chính sách Trung Quốc. Cường quốc châu Á sẽ vẫn là đối thủ địa chính trị hàng đầu của Mỹ, và việc kiềm chế sự trỗi dậy của nước này sẽ là nguyên tắc tổ chức chính sách đối ngoại của Mỹ trong tương lai gần.

Nhưng chính sách về Trung Quốc của chính quyền Joe Biden cũng sẽ khác về cơ bản với cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump. Tính toán chiến lược của ông Biden là xung đột Trung - Mỹ sẽ là một cuộc đua kéo dài hàng thập kỷ mà kết quả phụ thuộc trước hết vào việc Mỹ có thể duy trì và củng cố các lợi thế cạnh tranh của mình hay không, từ sự năng động kinh tế, đổi mới công nghệ và sức hấp dẫn về ý thức hệ.

Do đó, bên cạnh việc tập hợp các đồng minh truyền thống của Mỹ, ông Biden sẽ tập trung vào việc củng cố nước Mỹ trên sân nhà bằng cách giải quyết cơ sở hạ tầng đổ nát, nguồn nhân lực thiếu thốn cũng như tập trung vào nghiên cứu và phát triển. Hơn nữa, trong khi chính quyền Donald Trump nhận thấy không có chỗ cho hợp tác với Trung Quốc, chính quyền Joe Biden sẽ tìm thấy lợi ích khi hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, phòng chống đại dịch và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Việc tập trung xây dựng chiến lược lâu dài và bền vững hơn trong quan hệ với Trung Quốc sẽ giúp chấm dứt ngay lập tức (một cách đáng hoan nghênh) cuộc chiến tranh lạnh Trung - Mỹ. Giảm leo thang căng thẳng, thậm chí chấm dứt cuộc chiến thương mại mà ông Donald Trump khởi xướng cũng nằm trong lợi ích chính trị ngắn hạn của chính quyền sắp tới, bởi vì nền kinh tế Mỹ cần mọi sự trợ giúp để có thể thoát khỏi đợt lao dốc do đại dịch gây ra.

Bản thân các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng thừa nhận họ đang bị “mắc kẹt” trong một cuộc xung đột không hồi kết với Mỹ, và giảm căng thẳng song phương cũng nằm trong lợi ích chính trị ngắn hạn của họ. Trung Quốc rõ ràng tin rằng thời gian nghiêng về phía họ, bởi vì nền kinh tế của họ sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn Mỹ trong thập kỷ tới, dần dần chuyển cán cân quyền lực tổng thể có lợi cho họ. Hiện tại, ưu tiên chính của Chủ tịch Tập Cận Bình là tránh tiếp tục leo thang căng thẳng với Mỹ trong khi đất nước ông đang ở thế suy yếu.

Nguồn: ITN

Lộ trình từng bước

Mặc dù lợi ích ngắn hạn của Chính quyền ông Biden và ông Tập Cận Bình có thể phù hợp, nhưng giảm căng thẳng Mỹ - Trung một cách toàn diện là nhiệm vụ không dễ dàng, đòi hỏi cả hai phải đầu tư quyết tâm chính trị nhất định.

Lĩnh vực dễ dàng tìm kiếm sự đồng thuận có lẽ là văn hóa. Trung Quốc nên mở cửa trở lại cho các nhà báo Mỹ mà họ đã trục xuất vào mùa xuân năm 2020, bước đi Bắc Kinh thực hiện để trả đũa các biện pháp hạn chế của Mỹ đối với các nhà báo Trung Quốc. Trung Quốc cũng nên cam kết cấp cho phóng viên Mỹ thị thực dài hạn hơn và nhiều quyền tự do hơn trong quá trình tác nghiệp. Đổi lại, Mỹ có thể có những động thái thiện chí khác như hủy bỏ những hạn chế áp đặt với cho các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc.

Mở lại lãnh sự quán sẽ là bước đi tích cực khác. Cuối tháng 7.2020, Mỹ đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, với lý do đây là một mắt xích trong mạng lưới gián điệp kinh tế của Bắc Kinh. Đáp lại, Trung Quốc đã đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Chiến lược ăn miếng trả miếng như vậy chỉ khiến mối quan hệ thêm căng thẳng. Sửa chữa sai lầm này sẽ có lợi cho cả hai nước.

Tiếp theo, Mỹ và Trung Quốc nên tập trung vào lĩnh vực họ có thể hợp tác, chẳng hạn như biến đổi khí hậu. Nhà đàm phán khí hậu hàng đầu của Trung Quốc và đặc phái viên mới về khí hậu của Mỹ, cựu Ngoại trưởng John Kerry, nên sắp xếp một cuộc họp để tái khẳng định cam kết của mỗi nước đối với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015, cũng như khám phá các sáng kiến ​​chung tiềm năng để tạo động lực mới cho các nỗ lực toàn cầu.

Vấn đề hóc búa hơn là Đài Loan (Trung Quốc). Trung Quốc chắc chắn sẽ gây sức ép với Chính quyền mới của Mỹ để tìm kiếm lại cam kết đối với chính sách “Một Trung Quốc”. Ông Biden có thể khiến Bắc Kinh tạm yên lòng bằng cách tái khẳng định sự nhất quán của Mỹ đối với nguyên tắc này, đồng thời có thể nhắc lại ưu tiên của Mỹ đối với một giải pháp hòa bình về hiện trạng của hòn đảo. Với chính sách ngoại giao phù hợp, một thỏa hiệp thực tế có thể giúp giảm căng thẳng trên eo biển Đài Loan.

Nhân tố thiếu ổn định nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung là cuộc chiến thương mại. Tháng 1.2020, hai nước đã ký Thỏa thuận “giai đoạn một” tạm dừng nhưng chưa kết thúc cuộc xung đột thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump không hủy bỏ thỏa thuận trước khi rời nhiệm sở, ông Biden và ông Tập Cận Bình nên ngay lập tức bắt đầu lại các cuộc đàm phán để ngăn chặn thảm họa có thể xảy ra, cụ thể là điều khoản buộc Trung Quốc đáp ứng yêu cầu của Chính quyền Mỹ mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của nước này trong 2 năm 2020 - 2021. Hai bên có thể đàm phán một thỏa thuận giai đoạn hai toàn diện hơn với giải pháp thực tế hơn, cho phép Trung Quốc kéo dài khung thời gian thực hiện cam kết mua hàng hoặc giảm bớt yêu cầu về cải cách cơ cấu đã bị loại khỏi Thỏa thuận giai đoạn một.

Lộ trình khiêm tốn này có thể không làm thay đổi quỹ đạo của cuộc xung đột giữa các cường quốc Trung - Mỹ. Nhưng bằng cách thể hiện quyết tâm chính trị trong việc “nắn” lại mối quan hệ cũng như thái độ sẵn sàng hợp tác bất chấp những khác biệt cơ bản, hai nước có thể trấn an cộng đồng quốc tế rằng mối quan hệ giữa họ có thể sẽ ấm dần lên nhờ những “cái đầu lạnh” đang chiếm ưu thế ở cả hai nước.

Đạt Quốc