Các nghị viện thành viên AIPA - Nghị viện Campuchia

Con đường của ngân sách

- Chủ Nhật, 30/08/2020, 05:44 - Chia sẻ
Quy trình ngân sách ở Campuchia bắt đầu từ Bộ Kinh tế và Tài chính dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng. Các bộ, ngành, các tỉnh chuẩn bị dự toán ngân sách của mình để gửi cho Bộ Kinh tế và Tài chính tổng hợp để dự toán ngân sách quốc gia. Vào tháng 11 hàng năm, sau khi trao đổi với các bộ, Bộ Kinh tế và Tài chính trình dự toán ngân sách năm tới cho Hội đồng Bộ trưởng xem xét thông qua để trình nghị viện. Tại cơ quan lập pháp, Hạ viện có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, thông qua và giám sát việc thực hiện ngân sách.

Xem xét, sửa đổi, thông qua

Theo Luật Về hệ thống tài chính của Campuchia, ngân sách quốc gia phải được Hạ viện thông qua trước ngày 25.12 hàng năm. Cá nhân hạ nghị sĩ có quyền đề xuất sửa đổi dự toán ngân sách, nhưng không được làm giảm nguồn thu và tăng các khoản chi công. Thượng viện chỉ có thẩm quyền tư vấn về ngân sách. Điều này có nghĩa là khi dự toán ngân sách đã được Hạ viện thông qua gửi tới Thượng viện, nếu thượng viện đồng ý, nó sẽ được trình Quốc vương ký ban hành. Thượng viện cũng có thể gửi trả dự toán và đề nghị Hạ viện sửa đổi, Hạ viện có thể đồng ý, đồng ý một phần hoặc hoàn toàn bác bỏ đề xuất của Thượng viện. Nhưng việc xem xét thông qua không được quá 10 ngày.

Chính phủ Trung ương và chính quyền địa phương chịu trách nhiệm thực hiện ngân sách. Cục Ngân sách và Tài chính thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính sẽ phân bổ ngân sách tới các bộ ngành và các tỉnh thực hiện, đồng thời theo dõi việc thực hiện ngân sách. Bên cạnh đó, Cục Thanh tra tổng hợp của bộ này cũng có chức năng thanh tra các hoạt động liên quan đến ngân sách quốc gia của các bộ, ngành, địa phương, thiết chế công, doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, trong mỗi chủ thể ngân sách quốc gia còn có kiểm toán nội bộ theo dõi việc thu chi ngân sách.

Trong quy trình ngân sách, các bên liên quan khác như các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân, báo chí, các nhà tài trợ có cần có vai trò quan trọng hơn, như đóng góp ý kiến về cách phân bổ các nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, tiếng nói của họ chưa được chú ý đúng mức.

Trên thực tế, không phải lúc nào ngân sách quốc gia cũng được thực hiện đúng như nghị viện đã thông qua, ví dụ như có nơi chi quá ngân sách đã được phân bổ, chi không đúng mục tiêu đã quy định. Trong bối cảnh đó, vai trò giám sát ngân sách hiến định của nghị viện càng quan trọng. Có hai nguyên tắc cơ bản khi giám sát ngân sách: một là, Chính phủ không được có nguồn thu nào mà không phải do nghị viện cho phép; hai là, chính phủ không được chi một khoản nào vượt quá giới hạn nghị viện đã cho phép.

Giám sát thực thi

Việc giám sát ngân sách có thể được thực hiện bởi cá nhân các nghị sĩ, ví dụ như sử dụng quyền chất vấn trực tiếp bằng miệng hoặc gửi câu hỏi bằng văn bản cho một hoặc vài bộ trưởng liên quan, thậm chí nếu vấn đề liên quan đến chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải trả lời câu hỏi. Ủy ban Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng và Kiểm toán có thể yêu cầu các bộ trưởng đến trả lời về những vấn đề chi tiêu của bộ mình. Còn trong những trường hợp nghiêm trọng, nếu có kiến nghị của 30 nghị sĩ, Hạ viện có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm thành viên hoặc nhiều thành viên của Chính phủ với đa số tuyệt đối trong Hạ viện.

Đặc biệt, Kiểm toán quốc gia là một phần hữu cơ trong hệ thống quản lý chi tiêu công và hỗ trợ nghị viện giám sát ngân sách. Kiểm toán là cơ quan độc lập, thực hiện kiểm toán đối với chính phủ và báo cáo trực tiếp tới Quốc hội và Thượng viện Campuchia. Để tăng cường hiệu quả giám sát của Kiểm toán quốc gia, cần thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ quan này với nghị viện, nhất là Ủy ban Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng và Kiểm toán. Tuy nhiên, mối quan hệ này còn lỏng lẻo, các báo cáo của Kiểm toán thường gửi tới nghị viện chậm, một phần do các bộ, ngành cung cấp báo cáo tài chính của họ không đúng thời hạn do Luật quy định là vào tháng 9 hàng năm.

Minh Thy