Cơn địa chấn từ FED

- Thứ Sáu, 18/06/2021, 08:37 - Chia sẻ
Sau cuộc họp hai ngày mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn tuyên bố giữ nguyên lãi suất điều hành và kế hoạch bơm tiền, nhưng dự kiến sẽ điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản đồng USD vào năm 2023, sớm hơn một năm so với kế hoạch trước đó. Ngay lập tức, động thái của FED đã tác động lớn tới giới đầu tư trong và ngoài nước Mỹ.

Cứng rắn hơn dự kiến

Theo các quan chức FED, lãi suất nhiều khả năng sẽ được nâng ngay từ đầu năm 2023. Ủy ban Thị trường mở (FOMC) - cơ quan quyết định chính sách tiền tệ của FED - lãi suất cơ bản của đồng USD dự kiến sẽ tăng ít nhất 2 lần, mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm, trong năm 2023. Tuy nhiên, FED cam kết tiếp tục giữ chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian trước mắt, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hồi phục thị trường việc làm. Nghĩa là FED tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở khoảng 0 - 0,25% và tiếp tục bơm 120 tỷ USD mỗi tháng để mua trái phiếu.

FED cũng nâng dự báo lạm phát toàn phần năm 2021 lên mức 3,4%, cao hơn 1% so với mức dự báo vào tháng 3. Tuy nhiên, tuyên bố sau cuộc họp chính thức của FED vẫn khẳng định, áp lực lạm phát chỉ mang tính chuyển giao. FED đã thay đổi mức lạm phát kỳ vọng khi mà tháng 5 vừa qua, giá cả tiêu dùng tăng mạnh nhất trong 13 năm. Ngay cả khi điều chỉnh nâng dự báo lạm phát năm nay, FED nhận định trong dài hạn, lạm phát Mỹ sẽ diễn biến quanh mức mục tiêu 2% của cơ quan này. FED có hai nhiệm vụ quan trọng: Bảo đảm cho nước Mỹ làm việc và giữ cho lạm phát ổn định. Cơ quan này mới đây dự đoán, GDP Mỹ có thể tăng trưởng 7% trong năm nay từ mức 6,5% trước đó, trong khi tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi ở mức 4,5%.

Với lạm phát tăng nhanh hơn dự báo và nền kinh tế khởi sắc như vậy, thị trường tài chính Mỹ thời gian qua đã tìm kiếm dấu hiệu về thời điểm mà FED có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ “siêu lỏng lẻo” đã triển khai suốt 2 năm qua để vực dậy tăng trưởng sau cú sốc mà đại dịch Covid-19 gây ra. Trong chính sách siêu nới lỏng của FED, ngoài mức lãi suất gần 0, còn có chương trình mua tài sản khổng lồ.

Chính vì vậy, thị trường đã phản ứng gần như ngay lập tức với tuyên bố chính sách sẽ tăng lãi suất vào năm 2023 của FED. Chứng khoán giảm điểm và lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng khi các nhà đầu tư tăng dự báo về khả năng chính sách của FED sẽ bị thắt chặt thời gian tới. Ngoài ra, họ cũng tính đến khả năng chương trình mua trái phiếu sẽ chững lại ngay trong năm nay.

“Dự kiến nâng lãi suất hai lần trong năm 2023 cho thấy sự cứng rắn hơn dự kiến của thị trường, và đã có phản ứng mạnh”, chuyên gia kinh tế trưởng Daniel Ahn thuộc BNP Paribas nhận định với hãng tin Reuters.

Trụ sở của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở Washington

Nguồn: ITN 

Vì sao chính sách của FED luôn có tác động toàn cầu?

Ngày nay, đồng USD đã khẳng định vị thế toàn cầu, bởi nó đứng số 1 trong “rổ tiền” có khả năng thanh toán quốc tế. Các chính sách của FED không chỉ tác động trực tiếp lên nền kinh tế Mỹ mà còn tác động mạnh trên phạm vi toàn cầu. Vì thế, mọi động thái, chính sách của FED đều được cả thế giới theo dõi, chờ đợi.

Bản chất của FED là một Ngân hàng Trung ương độc lập có toàn quyền đưa ra các chính sách tiền tệ và thi hành các chính sách đó mà không phải chịu bất kỳ sự quản lý nào của Chính phủ Mỹ, chỉ dựa trên Đạo luật Dự trữ Liên bang đã được Quốc hội Mỹ thông qua. Trong đạo luật này, Đồi Capitol đã thiết lập 3 mục tiêu chính nhằm xây dựng một chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn và ổn định cho đất nước, đó là: Tăng tối đa việc làm, giữ giá cả ổn định và điều chỉnh lãi suất.  

 Cấu trúc của FED gồm 4 cấp: Hội đồng Thống đốc gồm 7 thành viên được đề cử bởi Tổng thống, và do Thượng viện thông qua, đây chính là những người sẽ đưa ra các quyết định quan trọng về chính sách tiền tệ; Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) gồm 7 thành viên của Hội đồng Thống đốc cùng 5 Chủ tịch ngân hàng chi nhánh, với nhiệm vụ thực hiện các nghiệp vụ trên thị trường mở; 12 Ngân hàng của FED (chi nhánh) phân bổ ở nhiều thành phố gồm Boston, New York, Philadelphia, Cleveland, Richmond, Atlanta, Chicago, St. Louis, Minneapolis, Kansas City, Dallas và San Francisco; và các ngân hàng thành viên. Với cấu trúc đó, nên những động thái, chính sách của FED có vị thế độc lập tương đối, không phụ thuộc vào việc thay đổi tổng thống hoặc các cơ quan điều hành của Chính phủ Mỹ.

Không chỉ trong nước Mỹ, nhiều người nhận xét, những động thái chính sách của FED còn đóng vai trò như “hàn thử biểu” kinh tế toàn cầu, nhất là việc tăng lãi suất, giảm mua trái phiếu chính phủ và tài sản thế chấp hàng tháng của cơ quan này. Ví dụ, nếu lãi suất USD tăng, dòng tiền sẽ quay trở lại Mỹ, từ đó rất dễ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và bất động sản của nhiều nước. Vì vậy, giới đầu tư, nghiên cứu thị trường quốc tế luôn phải theo sát mọi cập nhật chính sách của cơ quan này.

Thực tế, ngay sau động thái của FED, nhất là thông tin sẽ điều chỉnh lãi suất, đồng Nhân dân tệ đã trượt giá. Ngày 16.6, tỷ giá hối đoái của đồng tiền Trung Quốc ghi nhận mức suy giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 3 tại Hong Kong. Bên cạnh đó, “nhờ FED”, thị trường mới nổi châu Á tiếp tục đối mặt với “chảy máu vốn” trong bối cảnh dòng vốn đó đã bắt đầu rút khỏi các thị trường mới nổi châu Á do đại dịch Covid-19 khiến đà phục hồi kinh tế khu vực chững lại. Các thị trường chứng khoán Thái Lan, Malaysia, Philippines và Hàn Quốc đều bị rút vốn ròng trong tháng 5. Hôm thứ 5, hầu hết thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm. Ngoài ra, giá vàng thế giới cũng lao dốc sau khi đồng USD tăng giá mạnh sau cuộc họp của FED, khiến nhiều nhà đầu tư tháo chạy ra khỏi thị trường.

Ngọc Minh