Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc:

Cội nguồn sức mạnh của Quốc hội là Nhân dân

- Thứ Ba, 23/03/2021, 08:32 - Chia sẻ
Sáng mai, 24.3, Quốc hội Khóa XIV sẽ khai mạc Kỳ họp thứ Mười một - kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội NGUYỄN HẠNH PHÚC cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung tổng kết công tác nhiệm kỳ và kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước. Thời gian tiến hành kỳ họp không dài nhưng khối lượng công việc rất lớn, rất hệ trọng, đòi hỏi mỗi đại biểu phải phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân. Ông cũng cho rằng, đến thời điểm này, mỗi đại biểu đều có thể tự hào về một nhiệm kỳ Quốc hội đã luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo và hành động vì lợi ích của Nhân dân.

Phát huy cao nhất trách nhiệm trước Nhân dân 

- Thưa ông, tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội sẽ tập trung vào công tác tổng kết nhiệm kỳ và kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của bộ máy nhà nước. Vậy các nội dung khác sẽ được Quốc hội xem xét như thế nào? 

- Kỳ họp thứ Mười một dự kiến Quốc hội sẽ làm việc trong 12 ngày và họp tập trung tại Nhà Quốc hội, không tiến hành đợt họp trực tuyến như hai kỳ họp gần đây. Việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp cuối cùng này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiến hành từ rất sớm. Dự kiến chương trình kỳ họp cũng đã được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội từ ngày 23.2.2021. 

Tại Phiên họp thứ 54, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và điều chỉnh thêm một lần nữa về dự kiến chương trình kỳ họp. Theo đó, Quốc hội sẽ dành 6 ngày rưỡi để tiến hành công tác nhân sự, xem xét, phê chuẩn, kiện toàn một số chức danh lãnh đạo chủ chốt của bộ máy nhà nước. Thời gian còn lại sẽ tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ và các hoạt động khác. Trong đó, các nội dung về tổng kết công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và báo cáo công tác của Chủ tịch Nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước sẽ được tiến hành thảo luận tại tổ. Phiên thảo luận tại hội trường về các nội dung này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp như thông lệ để cử tri và Nhân dân có thể trực tiếp theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cho đến ngày làm việc cuối cùng của nhiệm kỳ. 

Các nội dung về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV; kết quả hoạt động của Hội đồng Bầu cử Quốc gia từ khi thành lập đến tháng 3.2021 cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi. 

Riêng các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức vốn ngân sách Trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định... sẽ không được thảo luận tại kỳ họp này. Quốc hội cũng sẽ không tiến hành giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn. 

Với các nội dung không trình Quốc hội thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đã yêu cầu Chính phủ, các cơ quan hữu quan có báo cáo chi tiết gửi đến Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đề nghị của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ bổ sung nội dung về đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả sử dụng các gói hỗ trợ, đưa ra các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn nếu tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài. Các nội dung này sẽ được đề cập trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020. 

Như vậy, khối lượng công việc của Quốc hội vẫn rất lớn, tập trung vào những việc hết sức hệ trọng, đòi hỏi mỗi đại biểu Quốc hội phải phát huy cao nhất trách nhiệm của mình trước cử tri và Nhân dân cả nước. 

- Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ tiến hành kiện toàn nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Điều này đặt ra những yêu cầu như thế nào đối với công tác chuẩn bị, thưa ông?

- Việc kiện toàn chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước đã được thực hiện từ kỳ họp cuối nhiệm kỳ Khóa XIII. Lần này, Quốc hội cũng sẽ tiến hành nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Việc kiện toàn nhân sự tại kỳ họp này được thực hiện đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, vừa bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ trong hệ thống chính trị, vừa đúng với các quy định của Hiến pháp và pháp luật về tổ chức của các cơ quan Nhà nước, bảo đảm sự liên tục trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... của đất nước. 

Trong quá trình xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Mười một, chúng tôi đã tính toán rất chi tiết về quy trình, thủ tục, thời gian tiến hành đối với từng chức danh để bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Ví dụ, để thực hiện nguyên tắc làm việc quyết định theo đa số của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến chương trình bố trí việc miễn nhiệm và bầu nhân sự thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiến hành theo 3 đợt: đợt 1 là Chủ tịch Quốc hội; đợt 2 là một số Phó Chủ tịch Quốc hội và đợt 3 là một số Ủy viên Ủy  ban Thường vụ Quốc hội để luôn bảo đảm số lượng cần thiết thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với các chức danh khác như Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ... cũng đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng. 

Gần dân, lắng nghe và phục vụ Nhân dân

- Nhiệm kỳ Khóa XIV, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá là “một nhiệm kỳ thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho”. Quá trình tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội đã được thực hiện như thế nào, thưa ông? 

- Công tác tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan thuộc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành từ rất sớm, với phương châm tổng kết từ dưới lên, từ thực tiễn hoạt động tại từng cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đánh giá, khái quát “bức tranh” tổng thể về hoạt động của Quốc hội. 

Các nội dung tổng kết đã được thảo luận nhiều vòng, ở nhiều cấp độ, từ các cơ quan của Quốc hội đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần xuyên suốt là: Đánh giá chính xác, đúng tầm việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội trong các lĩnh vực theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; đánh giá về tổ chức, phương thức hoạt động và mối quan hệ công tác của Quốc hội, mối quan hệ giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân... Trong từng lĩnh vực, chúng tôi đều đánh giá những việc đã làm được, thẳng thắn và nghiêm túc chỉ ra những việc chưa làm được, lý giải nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, do khâu tổ chức thực hiện và từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong hoạt động của Quốc hội. Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Mười một, chúng tôi cũng sẽ trình chiếu phim “Quốc hội Khóa XIV: Những thành tựu và dấu ấn nổi bật” để các đại biểu Quốc hội và cử tri, Nhân dân cả nước cùng nhìn nhận, đánh giá lại một cách tổng thể nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội. 

- Trong 6 bài học kinh nghiệm lớn được đúc kết từ thực tiễn hoạt động của Quốc hội Khóa XIV, với ông, bài học quan trọng nhất là gì? 

- Với tôi đó là tinh thần đoàn kết, tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Thực tiễn hoạt động của Quốc hội Khóa XIV cho thấy, Quốc hội đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới, trí tuệ, trách nhiệm và phát huy dân chủ trong mọi hoạt động. Đây vừa là yêu cầu thường xuyên, liên tục trong hoạt động của Quốc hội, vừa là động lực quan trọng tạo nên sức mạnh, sự năng động, sáng tạo để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra. 

Cùng với đó, từng đại biểu Quốc hội, từng cơ quan của Quốc hội phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân, phục vụ dân bởi cội nguồn sức mạnh và quyền lực của Quốc hội chính là Nhân dân, đích đến cho mọi quyết sách, đổi mới của Quốc hội cũng là vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước. Tôi tin rằng, đến giờ này, mỗi đại biểu Quốc hội Khóa XIV đều có thể tự hào về một nhiệm kỳ Quốc hội đã luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo và hành động vì lợi ích của Nhân dân như phương châm mà Quốc hội đã đặt ra ngay từ đầu nhiệm kỳ. 

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Chi thực hiện