Có tiền mà không tiêu được!

- Thứ Bảy, 26/06/2021, 05:59 - Chia sẻ
Đầu tư công sau khi “lập đỉnh” giải ngân 97,64% trong năm 2020 đầy khó khăn, nay lại “tái phát” căn bệnh chậm trễ, dù “chúng ta có rất nhiều nghị quyết, rất nhiều giải pháp” thậm chí “không còn nghĩ ra được giải pháp gì nữa" như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế hôm 24.6.

5 tháng qua, giải ngân đầu tư công mới đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm trước (25,98%). Đặc biệt, như thường lệ, vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ được 2,97%. Chính phủ dự báo số liệu giải ngân 6 tháng sẽ nhích lên 34,15%, vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước. Đáng lo là tình hình giải ngân ở các dự án trọng điểm quốc gia như đường cao tốc Bắc - Nam ở phía Đông, sân bay Long Thành cũng đang rất chậm.

Trước đây, những bất cập trong Luật Đầu tư công được cho là nguyên nhân chính dẫn đến chậm trễ trong giải ngân. Giờ Luật Đầu tư công đã được sửa đổi và trên thực tế giải ngân đầu tư công là một điểm sáng của năm ngoái, năm đầu tiên luật có hiệu lực. Vậy diễn biến năm nay do nguyên nhân khách quan hay chủ quan, chuyện này phải được làm rõ.

Trong báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách năm 2021, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, ngoài yếu tố khách quan như ảnh hưởng của Covid-19, giá nguyên vật liệu tăng… thì nguyên nhân chính vẫn là khó khăn trong tổ chức thực hiện, mà nhiều năm nay chưa được khắc phục.

Chẳng hạn chuyện chậm phân bổ vốn -  tổng số vốn đầu tư chưa phân bổ hiện vẫn còn khoảng 12% kế hoạch. Dự toán chi thường xuyên còn lại chưa phân bổ của các bộ, cơ quan trung ương khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, vốn đầu tư phát triển của các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phân bổ 16 nghìn tỷ đồng nhưng đến nay chưa được giao kế hoạch; và như vậy chắc chắn không thể giải ngân trong năm nay. Một số nhiệm vụ chi của các bộ, ngành thuộc 21 chương trình mục tiêu cũng chưa được lồng ghép, rà soát đưa vào nhiệm vụ chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương, dẫn đến không có khả năng thực hiện.

Trong giải phóng mặt bằng vẫn là vướng mắc do có sự chênh lệch lớn giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đền bù của nhà đầu tư theo cơ chế thỏa thuận, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Bên cạnh đó, một số nơi chưa minh bạch trong tổ chức đấu thầu, còn trường hợp lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Trong dịch bệnh, đầu tư công là bệ đỡ cho tăng trưởng. Chỉ cần thúc đẩy quyết liệt hoạt động triển khai, thi công và giải ngân đúng tiến độ sẽ góp phần vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người lao động… Bởi vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh trong cuộc họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế: “Chúng ta có tiền, có vốn mà không tiêu được thì trách nhiệm rất lớn!”.

Trong báo cáo gửi đến phiên họp này, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giải ngân từ nay đến cuối năm. Các nhóm giải pháp khá đầy đủ, chi tiết, thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị. Trách nhiệm chính trị cũng được xác lập với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, theo đó phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.

Dẫu thế, việc phải “tiêu” hết hơn 60% kế hoạch vốn của năm trong 6 tháng tới không hề đơn giản, bất chấp thực tế giải ngân đầu tư công thường tăng tốc về cuối năm.

Vì vậy, Chính phủ một mặt cần tập trung thúc tiến độ giải ngân, kiên quyết và sớm cắt giảm vốn các dự án giải ngân chậm để điều chuyển cho các dự án có khả năng giải ngân. Mặt khác, Chính phủ cũng nên chấp nhận một kết quả mang tính khả thi, tránh gây sức ép giải ngân bằng mọi giá. Chúng ta chọn tăng chi tiêu công để hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch nhưng điều đó không có nghĩa là ném tiền qua cửa sổ. Thành tích được ghi nhận không chỉ là giải ngân được bao nhiêu phần trăm mà điều quan trọng hơn là tính hiệu quả, chất lượng của dự án.

Cẩm Phô