Dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển cho 4 tỉnh, thành phố

Có sức lan tỏa lớn trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

- Thứ Năm, 28/10/2021, 11:29 - Chia sẻ
Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, lớn thứ 3 cả nước (sau Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), có vị trí quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; là thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc. Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng LÃ THANH TÂN, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực khác so với một số quy định tại luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hải Phòng là hết sức cần thiết để thành phố có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, có sức lan tỏa lớn hơn trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết số 45-NQ/TW đã đặt ra.

Cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy các địa phương phát triển

- Dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển cho 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế được kỳ vọng sẽ tạo cú hích và động lực phát triển mạnh mẽ cho địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết ban hành Nghị quyết này đối với sự phát triển của Hải Phòng?

Tại kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khoá XV sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế cũng là vì mục tiêu phát triển chung của đất nước trên cơ sở quá trình thực hiện, tổng kết, đánh giá kết quả để xây dựng thành cơ chế, chính sách chung cho cả nước. Đảng và Nhà nước ta cũng đã có những chủ trương, chính sách đối với những địa phương có tiềm năng, có khả năng phát triển trở thành đầu tàu, động lực thì có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện thúc đẩy các địa phương này phát triển, đồng thời tạo tác động lan toả cho các địa phương khác và cho cả nước. Với các địa phương có điều kiện khó khăn hơn thì có cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác.

Phó trưởng đoàn chuyên trách TP Hải Phòng Lã Thanh Tân
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng Lã Thanh Tân

Đối với thành phố Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, lớn thứ 3 cả nước (sau Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), có vị trí quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; là thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc, đầu mối giao thông quan trọng (đường bộ, đường sắt, cảng hàng không trong nước và quốc tế) và là cửa chính ra biển giao thương quốc tế của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn đạt mức cao so với bình quân của cả nước, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Thành phố được xác định là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực trên hành lang kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hải Phòng: Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 05/8/2003 của Bộ Chính trị khoá IX, Kết luận số 72-KL/TW ngày 10/10/2013 của Bộ Chính trị, Quyết định số 54/2004/QĐ-TTg ngày 05/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 89/2017/NĐ-CP ngày 29/7/2017 của Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, tuy thành phố đã có bước phát triển mạnh mẽ nhưng quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế thành phố chưa thực sự mạnh, vai trò và đóng góp cho vùng và cả nước còn dưới mức lợi thế, tiềm năng… Thành phố đã 2 lần được Trung ương ban hành cơ chế đặc thù nhưng đều là cơ chế về tài chính - ngân sách và cũng chưa thực sự khác biệt nhiều so với các quy định chung của cả nước, chưa tạo nguồn lực để tạo sự phát triển đột phá cho thành phố Hải Phòng.

Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực khác so với một số quy định tại luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hải Phòng là hết sức cần thiết để thành phố có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, có sức lan tỏa lớn hơn trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết số 45-NQ/TW đã đặt ra.

Để khai phá những dư địa, tiềm năng của Hải Phòng cũng như trao quyền chủ động hơn cho địa phương để thu hút đầu tư phát triển thì cần lưu ý điều gì thưa ông?

Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế tạo đột phá trong phát triến kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế. Các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, khả thi cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thành phố Hải Phòng phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đẩy mạnh liên kết vùng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, các địa phương ven biển Bắc Bộ; thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đột phá về cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh cao; đầu tư phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố Hải Phòng; gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước, làm tăng thu ngân sách thành phố cũng như đóng góp lớn hơn cho ngân sách trung ương để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cần đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền thành phố Hải Phòng, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của thành phố. Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Hải Phòng phải phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng tham gia Kỳ họp thứ Hai theo hình thức trực tuyến
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng tham gia Kỳ họp thứ Hai theo hình thức trực tuyến

Tạo động lực phát triển của vùng Bắc Bộ

Trong những năm gần đây, Hải Phòng giữ vững tốc độ tăng trưởng cao trên 2 con số, có những thực tiễn phù hợp với việc xây dựng cơ chế đặc thù. Theo ông, cần nghiên cứu, lựa chọn những lĩnh vực gì, vấn đề gì, mức độ nào để xây dựng thành cơ chế đặc thù nhằm phát huy tối đa thế mạnh phát triển của thành phố?

- Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố tiếp tục giữ vững ổn định, không để dịch bệnh bùng phát. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 2021 của thành phố tăng 12,28% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao dẫn đầu cả nước. Mặc dù kinh tế - xã hội thành phố đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng và thu ngân sách cả nước ngày càng tăng song lại chưa thực sự có cơ chế, chính sách đặc thù nổi trội để tạo động lực phát triển thành phố.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định cơ chế chính sách về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý tài chính - ngân sách, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức đã được Quốc hội cho phép áp dụng, và tương đồng tại một số địa phương như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Các cơ chế, chính sách được đề xuất là thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của thành phố Hải Phòng. Việc đề xuất các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành trên quan điểm Hải Phòng phát triển không chỉ cho riêng mình, mà cao hơn là vì sự phát triển chung của cả nước, tạo động lực phát triển của vùng Bắc Bộ

Những lợi thế của thành phố về cảng biển, thương mại tự do, trung tâm Logistic, du lịch, đầu tư… cần cơ chế thí điểm, theo sự phân cấp, phân quyền như thế nào để làm “đòn bẩy” cho phát triển, thưa ông?

- Thành phố Hải Phòng có đề xuất trình Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển Khu thương mại tự do. Đây là đề xuất đột phá, chưa từng có tiền lệ trước đây, thể hiện tinh thần quyết tâm của Chính phủ và thành phố Hải Phòng.

 Hiện nay, khái niệm Khu thương mại tự do chưa được đề cập đến trong các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, để thực hiện chủ trương này theo Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, trước hết cần xác định khái niệm về Khu thương mại tự do, cơ quan có thẩm quyền thành lập (phạm vi, ranh giới) và ban hành cơ chế, chính sách, nguyên tắc xây dựng cơ chế, chính sách áp dụng cho Khu thương mại tự do để làm cơ sở, căn cứ cho thành phố Hải Phòng và các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu, đề xuất cụ thể báo cáo cơ quan có thẩm quyền, xem xét quyết định.

Việc quy định hình thành Khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng không chỉ dưới góc độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội; không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng. Đồng thời, cơ chế, chính sách áp dụng cho Khu thương mại tự do sẽ có những quy định mới, có thể vượt lên trên các luật hiện hành như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, các quy định của pháp luật về thuế…

Vì vậy, sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, thành phố Hải Phòng sẽ tích cực nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do, có đề xuất nhằm bảo đảm tính định hướng, tính cụ thể, đủ nội hàm chính sách, báo cáo Chính phủ để xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền./.

Xin cảm ơn ông!

Anh Thơ