Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh

Cơ sở quan trọng đôn đốc việc thực hiện kết luận

- Thứ Sáu, 10/09/2021, 06:58 - Chia sẻ
Để hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND cấp tỉnh được đổi mới, nâng cao trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả, bên cạnh tăng cường trách nhiệm của các chủ thể tham gia, cần ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là cơ sở quan trọng để HĐND tiếp tục giám sát, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện các kết luận chất vấn cho đến khi có kết quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, đáp ứng những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 30.12.2016 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp, hoạt động của HĐND tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, nhất là hoạt động chất vấn tại các kỳ họp. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, giải quyết dứt điểm các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân trong nhiệm kỳ qua.

Tuy nhiên, qua tổng kết nhiệm kỳ, hoạt động chất vấn thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế như: Vấn đề, nội dung chất vấn chưa nhiều, chưa toàn diện; đại biểu chất vấn chủ yếu tập trung đại biểu chuyên trách các Ban HĐND; khi chất vấn chưa tranh luận, truy vấn đến cùng trách nhiệm giải quyết các vấn đề, nội dung đặt ra; một số đại biểu trả lời chất vấn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa có giải pháp để giải quyết rốt ráo kết quả các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Từ thực tế đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, khảo sát, thẩm tra của HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 23.6.2021 về lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác giám sát, khảo sát của HĐND các cấp tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, hoạt động giám sát trực tiếp tại các kỳ họp cần phải được nâng cao. Để hoạt động chất vấn và giải trình tại các kỳ họp HĐND tỉnh, phiên họp Thường trực HĐND tỉnh được đổi mới, nâng cao trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, cần đẩy mạnh một số giải pháp trọng tâm.

Trước hết, tăng cường trách nhiệm của Thường trực, các Ban HĐND: Ngay đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức tập huấn, cập nhật pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về nghĩa vụ, quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu HĐND, nhất là các đại biểu mới tham gia lần đầu; ban hành Quy chế hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, Các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND; phân công các Ban, thành viên các Ban, Tổ đại biểu phụ trách theo dõi, xem xét, giám sát cụ thể ngành lĩnh vực, địa bàn, địa phương. Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên chỉ đạo cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thành các nghị quyết HĐND tỉnh bảo đảm phù hợp, khả thi với tình hình thực tế địa phương; chỉ đạo, điều hòa phối hợp, đôn đốc các cơ quan quản lý nhà nước, các Ban HĐND triển khai thực hiện và giám sát đạt kết quả, hiệu quả.

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm, tích cực của đại biểu HĐND, thành viên các Ban và thành viên các Tổ đại biểu HĐND: Các đại biểu HĐND phải tích cực nghiên cứu chủ trương, chính sách, pháp luật, thuộc ngành, lĩnh vực đã phân công phụ trách; sâu sát cơ sở, thường xuyên gần gũi với cử tri để lắng nghe, nắm bắt tình hình; thường xuyên xem xét việc triển khai và kết quả công tác của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, lĩnh vực phân công phụ trách thông qua các báo cáo sơ kết, tổng kết, chuyên đề; thường xuyên tham gia hoạt động giám sát, khảo sát, thẩm tra, tiếp xúc cử tri, tiếp dân, đi công tác cơ sở, gặp gỡ cử tri...

Phiên họp thường kỳ thứ 4 của Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2021 - 2026

Ảnh: Yến Thảo 

Qua đó, xem xét, phân tích, hệ thống vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân có mặt còn hạn chế, cử tri còn bức xúc cần chất vấn. Chuẩn bị đăng ký đặt vấn đề chất vấn, tranh luận, truy vấn đến cùng nhằm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người thực hiện; làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, giải pháp, thời gian khắc phục, nhất là đôn đốc giải quyết có kết quả những kiến nghị, nguyện vọng bức xúc chính đáng của cử tri.

Thứ ba, nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước (UBND tỉnh và các sở, ngành): Cơ quan quản lý nhà nước các cấp triển khai nhiệm vụ bảo đảm đúng đủ chủ trương, pháp luật; thường xuyên kiểm tra cơ sở, sâu sát thực tế; sơ kết, tổng kết, đánh giá kịp thời; rút kinh nghiệm hạn chế, bất cập và nguyên nhân khách quan chủ quan. Khi trả lời chất vấn phải cụ thể, trọng tâm, trọng điểm, chủ động đề xuất các biện pháp khắc phục; làm rõ những nội dung khách quan, chủ quan và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị. Từ đó, có giải pháp, cam kết, lộ trình thời gian, bước đi cụ thể, bảo đảm khả thi và hiệu quả, nhất là những vấn đề, nội dung liên quan quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Thứ tư, ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là cơ sở quan trọng để HĐND tiếp tục giám sát, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện cho đến khi có kết quả, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp và đáp ứng những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND các cấp được nâng cao chất lượng, hiệu quả góp phần xây dựng hoàn thiện HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Trần Minh Lực -  Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận