Họa sĩ thiết kế đồ họa Nguyễn Quốc Trí (Kris Nguyễn):

“Cổ phục không phải xu hướng nhất thời”

- Thứ Năm, 09/09/2021, 06:31 - Chia sẻ
“Sau khi tìm hiểu văn hóa Nhật Bản, Trung Quốc, tôi thấy dường như mình đã bỏ lỡ nhiều điều về văn hóa Việt Nam, trong đó có những thứ mình có thể khai thác, áp dụng vào đời sống đương đại như văn hóa cung đình hay văn hóa dân gian” - họa sĩ thiết kế đồ họa Nguyễn Quốc Trí (Kris Nguyễn) chia sẻ về các dự án nghiên cứu, vẽ trang phục thời Nguyễn.
		Bộ sưu tập Nguyễn triều nữ y
Bộ sưu tập Nguyễn triều nữ y

Trang phục triều Nguyễn phong phú và đa dạng

- Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, anh đã ra mắt dự án về Nguyễn triều nữ y, được công chúng đón nhận tích cực, cho rằng nó rất có ích trong việc phổ biến kiến thức về nữ y truyền thống, nhất là đối với người trẻ. Lý do anh thực hiện dự án này là gì?

- Học thiết kế đồ họa, đam mê tìm hiểu văn hóa và thích đi du lịch, tôi đã đến Huế nhiều lần, được thấy áo dài ngũ thân và mặc thử. Sau đó, tôi bắt đầu nghiên cứu về trang phục thời Nguyễn và lập ra một thương hiệu cung cấp dịch vụ may đo và cho thuê các thiết kế lấy cảm hứng từ trang phục này.

Dự án Nguyễn triều nữ y được tôi nung nấu từ lâu, nhưng đến mùa dịch mới có thời gian thực hiện. Dự án gồm hơn 10 hình ảnh minh họa khái quát những dạng thức trang phục tiêu biểu thời Nguyễn. Mỗi tác phẩm là một bức tranh khái quát dạng thức trang phục thời Nguyễn đi kèm ảnh thật của trang phục. Những dạng thức trang phục được minh họa theo lối chibi, lược bớt một số chi tiết hoa văn, chỉ tập trung minh họa kiểu dáng trang phục một cách khái quát nhất. Vì thế, một số chi tiết có thể chưa đúng với điển chế, tôi ghi nhận ý kiến đóng góp của mọi người.

- Trong quá trình nghiên cứu và vẽ, anh thấy trang phục triều Nguyễn có điểm gì thú vị?

- Thời Nguyễn còn rất nhiều dạng thức trang phục chưa được khai thác, chúng không hề nhàm chán và ít ỏi như một số nhận định. Đa số mọi người chỉ biết tới kiểu áo ngũ thân tay chẽn truyền thống, tiền thân của chiếc áo dài bây giờ, nhưng trên bộ ngũ thân, từng vùng miền đã có cách ăn mặc và biến tấu khác nhau.

Với tôi, trang phục triều Nguyễn rất hiện đại, tiện dụng, dễ thiết kế, và có thể qua đó giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới. Nguyễn triều nữ y hy vọng mang tới nguồn kiến thức dồi dào và chính xác về trang phục triều Nguyễn, giúp mọi người có cái nhìn khái quát và hiểu biết thêm về trang phục thời đại này.

- Sau một thời gian theo đuổi lĩnh vực này, theo anh, thuận lợi và khó khăn ra sao?

- Khó khăn là đưa cổ trang vào đời sống, bởi sự tiếp nhận của mọi người với trang phục này còn hạn chế. Chỉ 1 năm trước, nhìn áo tấc (áo ngũ thân tay thụng), mọi người còn nói là áo của Trung Quốc. Qua dự án Nguyễn triều nữ y, tôi muốn giới thiệu đặc trưng của trang phục Việt Nam, sự khác biệt giữa trang phục Việt Nam và Trung Quốc, để từ đó mọi người không quá xa lạ với cổ trang Việt. Khi mọi người có thông tin về trang phục cổ thì không quá khó khăn để tiếp nhận.

Tuy nhiên, thuận lợi là phong trào cổ phục đang phát triển. Chúng tôi tích cực tham gia các sự kiện, như “Tóc xanh - Vạt áo” tại TP Hồ Chí Minh đầu năm nay và có lượng khách hàng ổn định (dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19). Nhiều dự án, hoạt động đang chờ ra mắt ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Thổi làn gió mới vào thiết kế

	Nguyễn Quốc Trí trong trang phục áo ngũ thân
Nguyễn Quốc Trí trong trang phục áo ngũ thân

- Được biết, anh đang phát triển thương hiệu “Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp” cũng về trang phục triều Nguyễn, hay thực hiện dự án bộ nhận diện thương hiệu “Ngự trà - Royal Tea” lấy cảm hứng từ nét đẹp cung đình. Anh có thể chia sẻ thêm về các dự án này?

- Hoa Niên là một thương hiệu may đo, cho thuê và thiết kế cổ phục Việt, do tôi đồng sáng lập cùng hai người bạn nữa. Các thiết kế của Hoa Niên hướng tới người trẻ, với những sản phẩm phái sinh thiết kế cổ phục Việt như áo ngũ thân, áo Nhật Bình, Mã Tiên... bằng hoa văn hiện đại kết hợp truyền thống dựa trên trang phục. Hoa Niên cũng định hướng hợp tác với những người nổi tiếng, qua đó quảng bá, lan tỏa cổ phục đến nhiều người trẻ.

Còn bộ nhận diện thương hiệu "Ngự Trà - Royal Tea" lấy cảm hứng từ nét đẹp cung đình Huế chính là xuất phát từ đồ án tốt nghiệp của tôi. Văn hóa cung đình Huế từng vang bóng nhưng ngày nay vẫn chưa được nhiều người biết đến. Qua dự án lần này, tôi hy vọng đưa văn hóa cung đình trở nên quen thuộc hơn với người dân Sài Gòn. Ngoài hộp "Ngự Trà", tôi đồng thời thiết kế một loạt hình ảnh minh họa cho năm loại trà khác nhau, tất cả đều lấy cảm hứng từ văn hóa cung đình Huế.

- Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ, cả trong Nam và ngoài Bắc quan tâm đến cổ phục, đây có phải là mốt? Một người trẻ như anh được gì qua hành trình có thể coi là “về nguồn” này?

- Tôi cho rằng, cổ phục là sự phát triển lâu dài, không phải xu hướng nhất thời. Ở Trung Quốc, Nhật Bản vẫn duy trì các hoạt động giữ gìn trang phục truyền thống, từ phim ảnh đến du lịch... Tôi nghĩ cổ trang Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục được quan tâm trong thời gian tới.

Với tôi, qua tìm hiểu, khai thác trang phục triều Nguyễn, cái được lớn nhất là kiến thức. Càng nghiên cứu càng thấy rõ Việt Nam còn nhiều thứ có thể khai thác. Qua sử dụng hoa văn, cảm hứng từ truyền thống để thổi làn gió mới vào thiết kế, tôi muốn cho mọi người thấy một Việt Nam khác, giàu có và đầy màu sắc.

- Xin cảm ơn anh!

Ngọc Phương - Hương Linh thực hiện