Ở đây tôi chỉ muốn nói đến lựa chọn của tôi dành cho Paris. Paris hoa lệ, luôn vẫn là điểm đến du lịch đứng đầu thế giới với 32,3 triệu khách du lịch tới thăm viếng vào năm 2013, qua mặt cả London. Dưới cái nhìn của một người từng học về truyền thông, Paris hẳn nhiên là một “từ khóa” thu hút sự quan tâm rộng rãi trên toàn cầu. Đánh vào Paris, là đánh vào biểu tượng của nghệ thuật từ hội họa, điện ảnh, âm nhạc đến ẩm thực, du lịch, kiến trúc... Thế nên, khủng bố ở New York, Paris hay London chắc chắn sẽ gây chấn động ở cấp độ toàn cầu.
Là người Việt Nam, nhất là những người thuộc thế hệ chúng tôi, văn hóa Pháp rất quen thuộc. Từ những cuốn sách, bản nhạc, món ăn, bức tranh hay cả thói quen lê la cà phê lề đường, tất cả đều gắn bó với thời thơ ấu và trưởng thành của hàng triệu người Việt Nam do tính chất lịch sử và cả tính hấp dẫn của văn hóa Pháp. Nó thấm vào người một cách tự nhiên, không hề ép buộc. Thế nên, dù chưa một lần đặt chân tới Pháp, cái tên Paris cùng những địa danh của nó luôn tạo cảm giác quen thuộc và sự liên hệ gắn bó về cảm xúc tình cảm.
Paris có tội gì đâu.
Thay màu avatar, ngoài lý do lên án bạo lực cùng những lý do nghiêm trọng khác mang phần lý tính, đó có khi vô thức còn là tình cảm và sự quan tâm tới một thành phố thơ mộng, kết tinh của nghệ thuật, thiên nhiên kiến trúc cảnh trí tươi đẹp.
Tất nhiên tôi viết ra những điều này vì tôi là phụ nữ, vốn gần gũi với những gì thuộc về cảm xúc và cảm tính. Đừng vội đem những luận điểm đao to, búa lớn kiểu so sánh chiến tranh phi nghĩa chỗ nọ chỗ kia rồi úp chụp lên những hành vi thể hiện thái độ đối với vụ thảm sát ở Paris.
Tôi cũng không viết ra những dòng này để có ý bào chữa cho hành động đổi màu cờ Pháp cho avatar của mình. Vì tôi chẳng có gì để bào chữa. Mỗi người có quyền thể hiện thái độ và ý kiến riêng của mình.
Bạn không thay màu avatar. Tốt thôi! Tôi hoàn toàn không có ý kiến gì với việc bạn không thay màu. Nhưng xin hãy nhớ, cần tôn trọng lựa chọn của người khác, như lựa chọn của chính bạn, vậy thôi!