Cổ phần hóa vì sao vẫn lừng khừng?

- Thứ Bảy, 22/08/2020, 06:28 - Chia sẻ
Theo Quyết định 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 - 2020 phải hoàn thành cổ phần hóa 128 doanh nghiệp. Tuy nhiên tính đến hết tháng 7.2020 mới tiến hành cổ phần hóa được 37 doanh nghiệp. Tiến độ cổ phần hóa hiện rất chậm so với mục tiêu đề ra. Vì sao đã có chủ trương, yêu cầu nhưng việc thực hiện cổ phần hóa vẫn cứ lừng khừng, chậm trễ?

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong 7 tháng năm 2020, đơn vị này nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 6 doanh nghiệp, trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo quyết định số 26 năm 2019 của Thủ tướng. Tính luỹ kế giai đoạn 2016 đến tháng 7.2020, cả nước đã có 177 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp trên 443,5 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là trên 207,1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 177 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng. Như vậy, số doanh nghiệp được cổ phần hóa mới chỉ đạt 28% kế hoạch. Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch từ nay đến hết năm 2020 là 91 doanh nghiệp. Nhìn vào con số thực hiện cho thấy, số doanh nghiệp cổ phần hóa còn rất khiêm tốn.

Mục đích của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là nâng cao hiệu quả quản trị của doanh nghiệp cũng như hiệu quả sử dụng đồng vốn. Tuy vậy, thời gian qua, việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gặp không ít khó khăn. Trong đó có nguyên nhân từ các các tập đoàn, tổng công ty lớn phải cổ phần hóa, thoái vốn sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh thành nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc từ những lý do khách quan, cần phải  thẳng thắn nhìn nhận việc cổ phần hóa ở một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm có nguyên nhân từ chủ quan. Đó là, các cơ quan này chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng.

Nhận diện về những lực cản tiến trình cổ phần hóa, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ rõ, còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn, vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện, chưa xem xét đúng trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp thực hiện chậm cổ phần hóa, chuyển giao về SCIC, niêm yết trên sàn chứng khoán.

Không thể phủ nhận rằng, việc cổ phần hóa doanh nghiệp là một vấn đề khó. Khó bởi chúng ta chậm sửa đổi quy định về cổ phần hóa và thoái vốn. Khó bởi việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai thực hiện Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa thực sự nghiêm túc, thường xuyên. Không ít doanh nghiệp chỉ đến khi bị giao nhiệm vụ thực hiện cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp, xử lý đất đai.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là cùng một cơ chế, chính sách tại sao vẫn có doanh nghiệp, tập đoàn thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn rất tốt, làm ăn rất hiệu quả nhưng lại vẫn có những đơn vị còn đủng đỉnh thực hiện nhiệm vụ này. Liệu đó có phải đó là sự chậm trễ cố ý của đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn vì ngại thay đổi, vì vướng lợi ích cá nhân hay còn vì lý do muốn níu kéo đặc quyền, đặc lợi, che giấu sai phạm, tham nhũng? Tiếc rằng, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có cá nhân nào bị cách chức, hay xử lý kỷ luật vì để xảy ra tình trạng chậm trễ này.

Trước diễn đàn Quốc hội, tại Kỳ họp thứ Tám, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về quá trình chậm cổ phần hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo triển khai Đề án, cơ cấu lại doanh nghiệp. Đặc biệt, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc chậm trễ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong Nghị quyết số: 60/2018/QH14 Quốc hội nêu rõ: Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gắn kết quả của việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu.

Nghị quyết của Quốc hội đã có, Thủ tướng cũng đã hứa trước Quốc hội, do đó, đã đến lúc cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân nếu xảy ra chậm trễ thực hiện cổ phần hóa vì lý do chủ quan. Không thể để tình trạng thực hiện cũng được, không thực hiện cũng chẳng sao.  

Song Hà