Cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công

- Thứ Bảy, 03/10/2020, 06:52 - Chia sẻ

Ngày 25.10.2017, Ban Chấp hành Trung ương ban hành nghị quyết riêng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết 19). Theo lộ trình được xác định trong Nghị quyết này thì đến năm 2021 phải hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học); đến năm 2025, tất cả các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện phải hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty cổ phần. 

Chủ trương chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần trên thực tế đã được thực hiện sớm hơn nữa, từ năm 2015 với Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau Nghị quyết 19, Thủ tướng đã ban hành thêm một Quyết định nữa (Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg) để cùng với Quyết định 22 tạo căn cứ pháp lý bước đầu cho việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập trên diện rộng. Báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội mới đây khẳng định, việc thực hiện chủ trương này đã đạt được một số kết quả nhất địnhNếu tính riêng các đơn vị đã có quyết định công bố giá trị đơn vị sự nghiệp công lập thì giá trị vốn điều lệ của các đơn vị này đã tăng gấp 3 lần so với trước khi có Quyết định 22 của Thủ tướng. Giá trị thực tế của các đơn vị được chuyển đổi sau Quyết định 22 cũng tăng gần 2,5 lần so với trước đây. Phạm vi ngành nghề của các đơn vị được cổ phần hóa đã mở rộng từ 2 lĩnh vực thành 12 lĩnh vực. Về cơ bản, các mục tiêu đặt ra đối với việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần đã đạt được.

Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này trên thực tế cũng đã cho thấy nhiều vấn đề. Về tiến độ, số đơn vị sự nghiệp công lập đã được phê duyệt đưa vào Danh mục chuyển đổi mới chỉ chiếm 10,35% số đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ chi thường xuyên hoặc tự chủ toàn phần. Năm 2020 đã sắp kết thúc nhưng nhiều bộ và địa phương vẫn chưa phê duyệt được danh mục đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thành công ty cổ phần giai đoạn 2017 - 2020. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành việc chuyển đổi chỉ chiếm 14,5% Danh mục chuyển đổi của giai đoạn 2017 - 2020. 

Không chỉ quá chậm so với yêu cầu của Trung ương mà thực tế hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ công của các doanh nghiệp sau chuyển đổi cũng đặt ra nhiều vấn đề. Trong Phụ lục kèm theo Báo cáo số 380 ngày 19.8.2020 gửi tới Quốc hội trước thềm Kỳ họp thứ Mười, Chính phủ nêu ví dụ khảo sát trực tiếp tại Bộ Giao thông Vận tải cho thấy một số doanh nghiệp chuyển đổi từ các Trung tâm đăng kiểm tại các địa phương chưa bảo đảm chất lượng dịch vụ, bị Cục Đăng kiểm phát hiện có nhiều vi phạm về: tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật, điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất...

Phản ánh của các địa phương và các bộ, ngành cũng cho thấy, do nhu cầu thu hồi vốn nhanh nên nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung đầu tư tại những khu vực đô thị, không đầu tư tại vùng sâu vùng xa. Một số doanh nghiệp sử dụng các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh như giảm yêu cầu chất lượng để thu hút khách. Một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đặc thù như các công ty cổ phần quản lý bảo trì đường thủy nội địa chưa có chuyển biến về chất lượng dịch vụ so với trước chuyển đổi bởi sau khi chuyển đổi, Nhà nước vẫn là khách hàng duy nhất của doanh nghiệp. Nói cách khác, doanh nghiệp chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập trước đây nay trở thành nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công duy nhất, không phải cạnh tranh với doanh nghiệp khác nên cũng không bị áp lực phải nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động.

Tình trạng không tiếp tục cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sau chuyển đổi cũng đã xuất hiện. Theo thông tin do Cục Đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải cung cấp, một số Trung tâm Đăng kiểm tại Gia Lai, TP Hồ Chí Minh đã dừng hoạt động theo quyết định của Hội đồng Quản trị; Viện Dệt may sau chuyển đổi đã được chuyển thành bộ phận nghiên cứu của riêng công ty mẹ...

Những vấn đề trên đây không chỉ xảy ra đối với quá trình chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần ở nước ta. Kinh nghiệm từ các quốc gia đã tiến hành cổ phần hóa đơn vị cung cấp dịch vụ công dù mạnh mẽ hay thận trọng cũng đều cho thấy sẽ luôn có những rủi ro nhất định. Nhưng đây vẫn là chủ trương đúng đắn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, cải thiện quản trị và hiệu quả hoạt động của đơn vị cung cấp dịch vụ, thu hút thêm nguồn lực xã hội cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, giảm chi từ ngân sách nhà nước.

Vì thế, phải có những giải pháp quyết liệt để thực hiện lộ trình và các mục tiêu mà Trung ương đã đề ra. Trong đó, để thúc đẩy tiến độ, phải khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, khúc mắc về: đối tượng chuyển đổi trong Quyết định 22 và Quyết định 31 khác nhau; thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển đổi tất cả đơn vị sự nghiệp công lập đều giao cho Thủ tướng dù phần lớn các đơn vị này có quy mô tài sản nhỏ; việc xử lý các nguồn kinh phí đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập như số dư Nguồn kinh phí cải cách tiền lương, Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ Phát triển sự nghiệp, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập; việc xử lý, sắp xếp nhà đất và hình thức sử dụng sau chuyển đổi... Để bảo đảm mục tiêu cải thiện chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công, hạn chế thấp nhất các rủi ro có thể phát sinh từ quá trình chuyển đổi thì Nhà nước phải thiết lập cơ chế giám sát minh bạch cả quá trình chuyển đổi và chất lượng cung cấp dịch vụ công của các doanh nghiệp sau chuyển đổi.

Hải Lam