Tại trò chuyện “Những cuốn sách đi cùng tuổi thơ” sáng 6.5, Trưởng Phòng Sách thiếu nhi Nhã Nam Nguyễn Giang Linh cho biết: “Nhã Nam quan tâm xuất bản mảng sách thiếu nhi. Mỗi năm chúng tôi cho ra vài trăm đầu sách, tổng lượng sách hơn 1.000 cuốn sách mới. Lượng tái bản như quả cầu tuyết, cứ lớn lên hàng năm…”
Dù có nhiều sách cho thiếu nhi, nhưng theo bà Nguyễn Giang Linh, tựu trung lại, sách thiếu nhi tập trung vào 2 vấn đề căn cốt nhất là hiểu về chính bản thân và hiểu về thế giới.
Trong đó, sách cho trẻ từ 0-5 tuổi tập trung giúp các em nhỏ tìm hiểu về bản thân, cảm xúc của mình, gia đình, bạn bè… cao hơn là suy nghĩ logic, tư duy phản biện.
Dần dần với các lứa tuổi lớn hơn, sách mở cho các em về thế giới bên ngoài, về thế giới động thực vật, vũ trụ, không gian… và lớn hơn nữa là các vấn đề xã hội như chiến tranh, đói nghèo, phân biệt chủng tộc, vượt lên số phận…
Trong mảng sách thiếu nhi của Nhã Nam, nhiều cuốn sách, đặc biệt là tác phẩm văn học cho thiếu nhi như Cây cam ngọt của tôi, Hoàng tử bé, Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh, Chiến binh cầu vồng… đã đi cùng tuổi thơ của hàng triệu độc giả nhiều thế hệ, tiếp tục được truyền tay, tiếp tục được đón đọc.
Tuy nhiên, sách viết cho trẻ nhỏ không có nghĩa là chỉ trẻ nhỏ mới thích đọc. Thực tế đã minh chứng, rất nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi được độc giả trưởng thành đón nhận nồng nhiệt. Không chỉ nâng đỡ tâm hồn ấu thơ, những tác phẩm này còn bầu bạn với cuộc sống của người trưởng thành.
Khẳng định, sách vô cùng cần thiết với độc giả các lứa tuổi, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi, nhà báo, tác giả Phạm Thị Hoài Anh cho rằng, với độc giả nhỏ tuổi, đọc sách không chỉ để giải trí, cũng không chỉ để phục vụ học tập. Hơn hết, thông qua thấm nhuần những thông điệp nhân văn trong các tác phẩm văn học thiếu nhi, nhận thức của độc giả nhỏ tuổi có những thay đổi tích cực, hướng tâm hồn đến những điều đúng đắn và thiện lương.
Là tác giả, người đọc sách cho thiếu nhi và thiết kế các chương trình giáo dục tương tác cho các em, tác giả Phạm Thị Hoài Anh cho rằng, các cuốn sách trở thành kinh điển cho thiếu nhi có điểm chung là mang đến những rung động, kết nối được với trái tim và cảm xúc của độc giả, và mỗi tác phẩm là thế giới ngôn từ đẹp đẽ… Nhờ đó chúng sống mãi với thời gian.
Tuy nhiên, đa phần sách kinh điển thuộc dòng sách văn chương. Theo bà Phạm Thị Hoài Anh, với độc giả nhỏ tuổi, ngoài sách kinh điển, nên khuyến khích các em đọc đa dạng các dòng sách như sách kỹ năng sống, khoa học, lịch sử… Việc đọc của các em không chỉ dừng ở làm tâm hồn đẹp đẽ hơn, mà còn để hiểu bản thân, trang bị tri thức để bước vào cuộc sống…