Có nên bỏ trần giá vé máy bay?

- Thứ Hai, 17/05/2021, 05:04 - Chia sẻ
Cục Hàng không Việt Nam đang đề xuất bỏ trần giá vé máy bay đối với đường bay nội địa có từ 3 hãng hàng không khai thác. Đề xuất này gây phản ứng trái chiều trong dư luận. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, nếu thực thi sẽ đi ngược lại quy định pháp luật hiện hành.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, áp dụng trần giá vé máy bay khiến hãng hàng không hạn chế nâng cao chất lượng dịch vụ
Ảnh: Đan Thanh

“Áp giá trần hạn chế nâng cao chất lượng dịch vụ”

Trong dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đang được lấy ý kiến, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện thị trường vận chuyển hàng không nội địa có sự tham gia khai thác của 5 hãng hàng không Việt Nam gồm: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và VASCO với đội tàu bay khai thác 100% là chủng loại tàu bay chuyên chở hành khách, kết hợp vận chuyển hàng hóa, bưu kiện. Điều này giúp thị trường vận chuyển nội địa có tính cạnh tranh cao.

Theo quy định của Luật Hàng không dân dụng, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa (bao gồm vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa) trong khung giá do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT. Mức giá tối đa trong khung hiện là 3,75 triệu đồng/vé.

 Tuy nhiên, theo Cục Hàng không Việt Nam, dịch vụ vận chuyển hàng không cũng như các loại hình vận tải khác là loại “hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ”. Tùy thuộc nhu cầu đi lại của hành khách, kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không thường có mùa cao điểm, mùa thấp điểm; chuyến bay có giờ bay phù hợp sẽ có nhiều hành khách mua vé, thậm chí sẵn sàng trả giá cao có thể mua được vé sát giờ bay, điều kiện linh hoạt, chất lượng dịch vụ cao theo nhu cầu và ngược lại. Đối với những chuyến bay mùa thấp điểm, giờ bay muộn, thường có giá vé phù hợp nhằm khuyến khích, kích cầu hành khách nhằm lấp đầy chỗ trống trên tàu bay.

Trên thực tế, các hãng hàng không luôn xây dựng dải giá linh hoạt với từ 10 - 15 mức giá. Trong đó có những mức giá thấp, có nhiều loại vé cho, tặng (0 đồng chưa bao gồm thuế, và các khoản thu hộ) theo từng đợt khuyến mại, giảm giá của hãng.

Từ những phân tích trên, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc áp dụng giá trần không còn phù hợp. "Áp dụng giá trần sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không”, dự thảo nêu rõ. Do vậy, cơ quan này đề xuất, đối với đường bay nội địa có từ 3 hãng hàng không tham gia, hãng quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách và thực hiện niêm yết giá theo quy định. Đối với đường bay nội địa có dưới 3 hãng tham gia, hãng quyết định giá dịch vụ vận chuyển hạng phổ thông cơ bản không vượt mức tối đa do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT.

Cân nhắc kỹ

Trước đề xuất này, một số đại diện doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng "rất nên làm”.

Chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống phân tích, thị trường đang có sự cạnh tranh rất tích cực. Đơn cử, trước đây Vietnam Airlines chiếm thế độc quyền thị phần trong nước thì nay Vietjet Air đã vươn lên thay thế vị trí này.

"Chúng ta từng lo ngại các hãng hàng không sẽ bắt tay nhau để tăng giá vé, mang tính chất độc quyền, và do đó Nhà nước phải định trần giá vé máy bay. Tuy vậy, tôi từng sang Australia thời kỳ chỉ có 2 hãng bay, một của Nhà nước và một của tư nhân, có sự cạnh tranh sòng phẳng và Nhà nước không định trần giá vé. Bây giờ, chúng ta có tới 5 hãng cạnh tranh thì nên bỏ giá trần để tạo thị trường đúng nghĩa. Bởi thực tế, thời gian qua, các hãng cạnh tranh được với nhau là về giá rẻ và sẽ chẳng ai dại gì nâng giá vé lên cao ngất vì sẽ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu nếu chất lượng không tương xứng. Nhà nước chỉ nên theo dõi để nếu có nguy cơ, dấu hiệu làm giá sẽ can thiệp kịp thời, không nên đặt ra giá trần hay giá sàn vé máy bay nội địa”, ông Tống nói.

Ủng hộ đề xuất bỏ trần giá vé máy bay để tạo thị trường thực sự cạnh tranh, đáp ứng nguyện vọng của khách hàng, song Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (VITOURS) Lê Tấn Thanh Tùng kiến nghị nên có lộ trình. Bởi lẽ, hiện nhiều doanh nghiệp du lịch đã ký hợp đồng với khách hàng nhưng do dịch bệnh Covid-19 đành tạm hoãn thực hiện, trong khi đó mức giá của hợp đồng được xây dựng dựa trên giá trần vé máy bay hiện hành. Do vậy "nên áp dụng bỏ giá trần vé máy bay từ giữa năm 2022 trở đi để gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát Nguyễn Minh Xoang bổ sung, giá vé nội địa đều đã giảm do có nhiều hãng cạnh tranh về giá. Thời gian tới có thể xuất hiện thêm hãng hàng không và khi đó người tiêu dùng càng được lợi. Hiện cũng không có đường bay nội địa nào chạm tới giá trần 3,75 triệu đồng/vé. Do vậy, việc giữ mức giá trần như hiện nay sẽ không còn phù hợp. "Cần bỏ giá trần và phải có lộ trình", ông Xoang đề xuất.

Trái ngược với các ý kiến trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng không nên bỏ trần giá vé máy bay. Lý giải điều này, ông Long viện dẫn, Luật Cạnh tranh và Luật Giá quy định, đối với sản phẩm, dịch vụ còn độc quyền thì Nhà nước phải định giá trần, chẳng hạn như với xăng dầu, điện..., trong đó có dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa tuyến độc quyền.

Cũng theo ông Long, dù thị trường hàng không đã có nhiều hãng tham gia, tạo ra tính cạnh tranh, song thực tế theo Luật Cạnh tranh, cứ có doanh nghiệp chiếm trên 30% thị phần là giữ vị trí thống lĩnh thị trường và Nhà nước phải kiểm soát giá để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Trong khi đó, số liệu của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, VietJet chiếm 42,2% thị phần, Vietnam Airlines chiếm 33,3% thị phần (tháng 12.2019)... "Luật đã quy định cụ thể về việc Nhà nước định giá trần với doanh nghiệp bán, định giá sàn với doanh nghiệp mua và cứ thế mà làm. Nếu không, tới đây xăng dầu với 38 doanh nghiệp tham gia, trong đó Petrolimex giữ vị trí độc quyền cũng muốn xóa bỏ cơ chế định giá, ai sẽ bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng?”, ông Long đặt vấn đề.

Như vậy, việc bỏ trần giá vé máy bay cần được Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích các hãng hàng không đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đan Thanh