Cơ hội vàng để cứu trái đất

- Thứ Tư, 03/11/2021, 06:26 - Chia sẻ
Chính tại thành phố Glasgow, kỹ sư người Scotland James Watt đã cải tiến hoạt động của động cơ hơi nước và vô tình khởi động cuộc Cách mạng Công nghiệp. Ông không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng con người sẽ đốt nhiều than, dầu và khí đốt đến vậy trong hai thế kỷ tiếp theo, đến mức họ sẽ phá hủy chính khí hậu giúp loài người tồn tại. Cũng tại thành phố này, hơn 120 nhà lãnh đạo thế giới vừa cùng nhau phát biểu trong Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP26 từ hôm đầu tuần, nơi họ thảo luận về các kế hoạch cắt giảm khí thải cho tới năm 2030. Nhiều người gọi đây là "cơ hội vàng cuối cùng" để thế giới giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
		Nguồn Reuters
Nguồn: Reuters

Cần những cam kết và thời gian biểu rõ ràng

Theo CNN, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo, nhân loại đang hết dần thời gian về chống biến đổi khí hậu. Trong bài phát biểu khai mạc, ông nói: “Còn một phút nữa là đến nửa đêm, và chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ”, “chúng ta phải chuyển từ trò chuyện, tranh luận và thảo luận sang hành động phối hợp trong thế giới thực về than, ô tô, tiền mặt và cây cối. Không phải là đưa ra nhiều hy vọng, mục tiêu và nguyện vọng, mặc dù chúng có giá trị, mà là những cam kết rõ ràng và thời gian biểu cụ thể để thay đổi”.

Nhóm G20 đã đồng ý về các mục tiêu khí hậu chính xung quanh giới hạn nóng lên toàn cầu và tài trợ than, nhưng thiếu các cam kết chắc chắn. Thực tế, cuộc họp của các nhà lãnh đạo G20 kết thúc tại Rome vào Chủ nhật vừa qua cho thấy, dù các nhà lãnh đạo cuối cùng đã lắng nghe khoa học, song họ vẫn thiếu sự thống nhất chính trị để đưa ra các quyết định đầy tham vọng cần thiết để đáp ứng thời điểm này.

Báo cáo khoa học khí hậu mới nhất của Liên Hợp Quốc (LHQ) được công bố vào tháng 8 từng nêu rõ, điều gì cần phải xảy ra - cắt giảm sâu và bền vững lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong thập kỷ này để có bất kỳ cơ hội nào hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức cao hơn 1,5 độ C trước khi công nghiệp hóa. Ngay cả với tất cả các cam kết mới được công bố, thế giới vẫn đang trên đà nóng lên 2,7 độ C.

Trong khi đó, sự nóng lên vượt quá 1,5 độ sẽ mang lại tác động tồi tệ hơn cho cuộc khủng hoảng khí hậu. Nhưng tin tốt là giới hạn 1,5 độ C hoàn toàn nằm trong tầm tay. Báo cáo của LHQ chỉ ra rằng vào giữa thế kỷ này, thế giới cần đạt tới mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) - nơi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính không lớn hơn lượng khí thải ra khỏi khí quyển - và sự ấm lên toàn cầu có thể được ngăn chặn.

Tất cả ngôn ngữ khoa học trên đều có trong thông cáo chung của các nhà lãnh đạo G20, bao gồm cả sự thừa nhận rằng để đạt được số 0 nói trên vào giữa thế kỷ này, nhiều quốc gia thành viên sẽ cần nâng các cam kết cắt giảm khí thải, được gọi là Đóng góp do Quốc gia xác định (NDC), trong thập kỷ này. Nhưng họ đã thất bại trong việc đưa ra ngày chấm dứt việc sử dụng than đá - nguyên nhân đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu - và thuyết phục tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về mức phát thải bằng 0 vào năm 2050. Điều này cũng cho thấy các quốc gia sử dụng và sản xuất nhiên liệu hóa thạch vẫn có ảnh hưởng lớn đến các thỏa thuận toàn cầu về khí hậu.

Khoảng cách lớn giữa cam kết và hành động

Ông Michael Mann, một nhà khoa học hàng đầu tại Đại học bang Pennsylvania, Mỹ, cho biết, cho dù các nhà lãnh đạo đã thừa nhận rằng họ cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm lượng khí thải trong thập kỷ này, nhưng điều quan trọng là bảo đảm tất cả các nhà phát thải lớn có kế hoạch phù hợp để giữ cho trái đất chỉ ấm lên dưới 1,5 độ C. Và “cũng thu hẹp khoảng cách thực hiện - tức là khoảng cách giữa những gì mà các nguyên thủ quốc gia đã cam kết trên danh nghĩa và những gì họ đang thực sự làm”, ông nói.

Ông cũng cảnh báo, COP26 không phải là Hội nghị Thượng đỉnh cho các chiến thuật trì hoãn, đồng thời hy vọng các nước có thể đồng ý loại bỏ than tại các cuộc đàm phán, ngay cả khi các nhà lãnh đạo G20 chưa đồng ý về điểm đó.

“Bản thân Cơ quan Năng lượng Quốc tế từng nói rằng không thể có cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch mới nếu chúng ta cảnh báo sự ấm lên nguy hiểm của trái đất. Bản thân các quốc gia G7 đã cam kết loại bỏ dần than, cũng như chấm dứt hỗ trợ cho các dự án than mới vào đầu mùa hè này”. “Chúng ta cần xem các cam kết tương tự từ các nước G20, bao gồm cả lộ trình tăng tốc để loại bỏ dần than đá”, ông nói. Tuyên bố của G20 mới cam kết chấm dứt tài trợ than ở nước ngoài vào cuối năm nay.

Bà Helen Mountford, Phó Chủ tịch phụ trách khí hậu và kinh tế tại Viện Tài nguyên thế giới, cho biết thỏa thuận và cam kết phát thải hiện tại không đủ tham vọng để tránh mức ấm lên nguy hiểm nhất và nhiều lãnh đạo không thực sự đưa các quốc gia đi đúng hướng trong các kế hoạch của họ nhằm đưa mức phát thải về mức 0. Bà cho biết, để giữ mục tiêu 1,5 độ C trong tầm tay, các quốc gia cần đặt ra các mục tiêu khí hậu đến năm 2030 nhằm vạch ra lộ trình thực tế để thực hiện các cam kết.

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh COP26, Tổng thư ký LHQ António Guterres bày tỏ hy vọng sự kiện ở Glasgow sẽ giữ mục tiêu 1,5 độ “sống sót”. Những bình luận của ông phản ánh tâm trạng của nhiều người tại COP26. Nếu G20 không thể đưa ra ngày kết thúc đối với than đá và đưa ra cam kết không có thực, có nghĩa là việc đưa cả thế giới vào cuộc giải quyết những vấn đề quan trọng đó cũng không hề đơn giản.

Ngoài ra còn có một vấn đề về niềm tin. Cách đây hơn một thập kỷ, các nước phát triển từng hứa sẽ chuyển 100 tỷ USD/năm cho các quốc gia kém phát triển hơn, chủ yếu nằm ở Nam bán cầu, để giúp họ chuyển đổi sang các nền kinh tế carbon thấp và thích ứng với thế giới mới của cuộc khủng hoảng khí hậu. Mục tiêu đó đã không đạt được vào năm ngoái, và một báo cáo từ nhiệm kỳ Chủ tịch COP26 được công bố vào tuần trước cho thấy, nó sẽ không đạt được cho đến năm 2023, với những cam kết hiện tại trong tay.

Vì vậy, mức phát thải bằng 0, loại bỏ than đá và cung cấp tài chính khí hậu vẫn sẽ là ưu tiên của các nhà đàm phán. Các lĩnh vực khác có thể thành công là một thỏa thuận về chấm dứt và đảo ngược nạn phá rừng vào năm 2030 và vận động xung quanh việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện trên toàn cầu…

Ngọc Minh