Xuất khẩu gạo năm 2022

Cơ hội nhiều, thách thức lớn

- Chủ Nhật, 09/01/2022, 06:38 - Chia sẻ
Các chuyên gia nhận định xuất khẩu gạo năm 2022 có nhiều cơ hội để duy trì đà tăng trưởng nhưng khó khăn, thách thức cũng không hề nhỏ.

Giá xuất khẩu tăng 7,2% 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sản lượng lúa năm 2021 vẫn đạt 43,86 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89% gạo xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 3,27 tỷ USD với sản lượng 6,19 triệu tấn, tăng 0,8% về khối lượng và tăng 7,2% giá trị. Tuy chưa đạt được mục tiêu 6,5 triệu tấn đã đề ra nhưng do giá bán tăng nên xuất khẩu gạo vẫn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công thương nhìn nhận, dưới tác động của đại dịch Covid-19, kế hoạch sản xuất của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng và tác động không nhỏ tới nguồn cung lúa gạo toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát và thích ứng được với dịch bệnh, chủ động bố trí thời vụ, cơ cấu giống phù hợp nên sản xuất lúa vẫn bảo đảm. Nhờ vậy nguồn cung lúa gạo vẫn dồi dào, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cũng được thực hiện bài bản, góp phần vào thành công của xuất khẩu gạo.

Năm 2022 dự báo vẫn có nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo, bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm Long An nhận định. Năm 2021 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam xếp ở nhóm cao nhất trong các nước xuất khẩu gạo truyền thống đã bù đắp cho lượng xuất khẩu bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch. Khả năng này có thể duy trì trong năm 2022. Cùng với đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhu cầu lương thực còn tăng cao mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu gạo.

Dự đoán này được củng cố bằng những diễn biến trong cuối năm 2021. Công ty Cổ phần Pacific Foods đã xuất khẩu 20 tấn gạo thơm Sóc Trăng sang Canada. Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu 4.170 tấn gạo...

Nguồn: ITN

Cải thiện chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế

Tuy có nhiều triển vọng tích cực nhưng khó khăn trước mắt các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đối mặt là không nhỏ. TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện cao hơn các nước xuất khẩu gạo truyền thống cũng là một bất lợi trong quá trình đàm phán hợp đồng của các doanh nghiệp Việt Nam để có thể cạnh tranh với các nước, nhất là Thái Lan. Thời gian qua, nhiều thị trường đã bổ sung những quy định mới về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản nhập khẩu, trong đó có gạo. Đáng chú ý, thị trường trọng điểm là Trung Quốc áp dụng quy định Đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc (Lệnh 248) và Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc (Lệnh 249), có hiệu lực từ ngày 1.1.2022. Việc Trung Quốc đưa ra các tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói,… chắc chắn sẽ là thách thức nếu doanh nghiệp muốn duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu sang quốc gia này.

Để vượt qua những thách thức nêu trên, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, ngành lúa gạo cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo giống mới, ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường trong nước và thế giới, thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng các quy trình, kỹ thuật canh tác giảm đầu vào về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước,… và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Các doanh nghiệp sản xuất và thương nhân xuất khẩu gạo cần nghiên cứu, cải tiến công nghệ và tổ chức dây chuyền sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế nhằm bảo đảm khả năng cung ứng các sản phẩm phù hợp với thị hiếu và yêu cầu của thị trường khó tính. Bên cạnh đó, việc đạt được các chứng nhận tự nguyện phổ biến tại thị trường châu Âu sẽ giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu gạo sang thị trường này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần có cơ chế triển khai phối hợp một cách rõ ràng hơn để sớm tháo gỡ nút thắt về tín dụng cho các doanh nghiệp lúa gạo nói riêng, cũng như ngành nông nghiệp nói chung. Bởi, trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản đang ứ đọng, ùn tắc do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp rất cần được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn để thu mua, đồng thời góp phần giải quyết đầu ra cho bà con nông dân.

Minh Trang