Chuyển đổi số tại Việt Nam:

Cơ hội để có những bước đột phá nhảy vọt

- Thứ Ba, 28/09/2021, 15:53 - Chia sẻ
Đây là nhận định của đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, GS. TS Hoàng Văn Cường tại Diễn đàn trực tuyến Tài chính số 2021. Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn đang là một nước thu nhập trung bình thấp. Như vậy, để đuổi kịp các nước phát triển, rõ ràng cần phải có những bước đột phá, nhảy vọt và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) chính là cơ hội đột phá của Việt Nam.

Nhanh chóng bắt kịp xu thế chuyển đổi số

Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 toàn cầu cùng với xu hướng chuyển đổi số đã và đang thay đổi mọi mặt của các hoạt động trong đời sống, các nền tảng công nghệ hiện đại đột phá như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật… ngày càng được ứng dụng rộng rãi.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, chuyển đổi số bắt nguồn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và cuộc cách mạng công nghiệp này diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa về quan hệ kinh tế, về giao lưu quốc tế. Vì vậy, việc chuyển đổi số không còn là một vấn đề riêng của một quốc gia nào. Quốc gia nào bắt tay vào sớm, không chỉ phát huy được những lợi ích của kinh tế số, chuyển đổi số trong nội tại đất nước mình mà còn tranh thủ đi trước các nước khác, tận dụng được quan hệ về kinh tế, thương mại chính do nền tảng của kinh tế số tạo ra. Việt Nam đang có nhiều lợi thế như dân số trẻ, nhanh nhạy trong tiếp cận cái mới; nền tảng công nghệ còn dư địa để phát triển.

Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, GS.TS Hoàng Văn Cường
Ảnh nguồn: ITN

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTG ngày 14.1.2020 về thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt là trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thì những khái niệm như chuyển đổi số kinh tế số, xã hội số đã lần đầu tiên được đề cập.

Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành một nước phát triển có thu nhập cao, trong khi hiện nay Việt Nam vẫn đang là một nước thu nhập trung bình thấp. “Như vậy thì làm thế nào để chúng ta trong hai chục năm nữa có thể nhảy vọt đuổi kịp các nước phát triển. Rõ ràng, cần phải có bước đột phá, nhảy vọt và CMCN lần thứ 4 này chính là cơ hội để có thể tạo ra bước nhảy vọt đó”, GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cho rằng, nhờ vào chuyển đổi số, chúng ta có thể chuyển những điều không tưởng thành điều có thể thực hiện được. Chính vì vậy, chuyển đổi số quốc gia đang trở thành một xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực, từ lĩnh vực quản lý nhà nước cho đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động của mỗi người dân và đặc biệt là các lĩnh vực cần nguồn lực mới để phát triển như tài chính, kinh doanh. Vì vậy, chúng ta phải nhanh chóng bắt kịp xu thế để tạo ra được các lĩnh vực phát triển trong thời gian tới.

Đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm công nghệ tại Internet Day 2020.
Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Các mục tiêu hoàn toàn khả thi

Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa được Bộ Chính trị ban hành đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành xây dựng Chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử và kinh tế số.

“Nhìn vào bức tranh kinh tế và thực tế sự chuyển đổi của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, có thể tin tưởng được những mục tiêu nói trên là có thể thực hiện được” - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, TS. Vũ Tiến Lộc nhận định.

TS. Vũ Tiến Lộc đánh giá, hạ tầng kinh tế số của Việt Nam phát triển khá nhanh, đạt được trình độ tương đương với các quốc gia “top” đầu trong khu vực. Ít lĩnh vực đạt được thành quả như vậy. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông là bộ phận nền tảng của ngành kinh tế số cũng phát triển rất mạnh mẽ và cũng thuộc nhóm đầu. Các ngành kinh tế khác cũng có những bước chuyển mình mạnh mẽ và có những lĩnh vực đang tạo ra những đột phá cho chuyển đổi số.

Năm 2020, Việt Nam có 11 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động, 77 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cố định và đến nay thì gần như 100% lãnh thổ của Việt Nam đã được phủ sóng di động và mạng cáp quang. Cả nước có hơn 1 triệu km cáp quang đã được triển khai đến tất cả các thôn, bản, xã, phường của 63/63 tỉnh, thành phố.

Tốc độ tăng trưởng của ngành thông tin truyền thông Việt Nam từ 2016 đến nay trung bình 26%/năm, thuộc top đầu các nước Đông Nam Á. Tổng doanh thu năm 2020 đạt 120 tỷ USD, gấp 2 lần năm 2016 và gấp 25 lần so với năm 2010.

TS. Vũ Tiến Lộc

 

Tính đến hết tháng 8.2021, Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 trong ASEAN và đứng thứ 8 trên thế giới về chuyển đổi mạng internet thế hệ mới IPv6. Về hạ tầng không dây, cho đến nay Việt Nam đã có công nghệ, nền tảng vững chắc để thực hiện 3G, 4G. Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia cũng đã đi tiên phong về việc nghiên cứu phát triển mạng 5G, Viettel đã đưa 5G vào sử dụng thử nghiệm từ 2019 và đang tích cực hoàn thiện để đưa vào sử dụng trong 1-2 năm tới.

TS. Vũ Tiến Lộc nhận xét, trong quá trình phát triển về kinh tế số, chuyển đổi số, có thể nói chúng ta đã có những điển hình rất tốt, kinh nghiệm rất hay của các địa phương hay một số ngành, một số doanh nghiệp. Chúng ta phải học tập và lan tỏa cách tiếp cận, tầm nhìn, chiến lược đó để có thể thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế đẩy nhanh chuyển đổi số.

“Tôi nghĩ nếu thực hiện được như vậy và có một chính sách thúc đẩy mạnh mẽ của Nhà nước thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử và kinh tế số trong thời gian tới”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Xuân Tùng