Quy hoạch Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam (được Thủ tướng Chính phủ ban hành lần đầu vào tháng 10.2004) đã xác định đây là một ngành công nghiệp rất quan trọng, cần được ưu tiên phát triển. Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển và gần 10 năm thực hiện Quy hoạch, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam mặc dù đã có sự tham gia tích cực và rộng rãi của nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó có một số tập đoàn ôtô lớn trên thế giới, nhưng thực chất mới hình thành một ngành công nghiệp lắp ráp ô tô với 18 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 38 doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất - lắp ráp ôtô với năng lực khoảng 460 nghìn xe các loại/năm.
Theo Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương Nguyễn Mạnh Quân, thách thức lớn nhất đối với công nghiệp ôtô hiện nay chính là thị trường tiêu thụ ôtô ở Việt Nam còn quá nhỏ bé, chỉ khoảng hơn 100.000 xe lắp ráp trong nước và khoảng 150.000 xe nhập khẩu nguyên chiếc/năm. Cùng với những chính sách hạn chế xe do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa đạt thấp, mới ở mức độ lắp ráp, dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 3 công đoạn chính là hàn, tẩy rửa sơn và lắp ráp.
Nguồn: bizlive.vn |
Là thành viên trong tổ soạn thảo xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Hội Kỹ sư ôtô Việt Nam Đỗ Hữu Hào cho rằng, điều vướng mắc kìm hãm sự phát triển ngành công nghiệp ô tô thời gian qua chính là ở cơ chế, chính sách bất cập. Vì vậy, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải công bố những chính sách ổn định, lập tức chỉ ngay tháng sau thị trường ôtô sẽ sôi động hẳn lên.
Điều này dường như đã đúng với thị trường ô tô Việt Nam hơn 1 tháng qua. Sự sôi động trong các giao dịch khi cùng với chính sách thuế, mức lệ phí trước bạ mới các loại ô tô dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu cũng đã đồng loạt giảm xuống 10% trên cả nước (trừ Hà Nội là địa phương áp dụng mức thu cao nhất, 12%). Theo cam kết, đến năm 2018 thuế xuất nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc có xuất xứ từ các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ xuống còn 0%. Khi đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội sở hữu những chiếc xe nhập khẩu 100% với giá có thể sẽ rẻ hơn nhiều so với xe lắp ráp trong nước. Việt Nam sẽ làm gì với ngành công nghiệp ô tô khi chỉ còn gần 4 năm nữa, mức thuế nhập khẩu chỉ còn 0%?