Có công bằng với người thụ hưởng?

- Thứ Sáu, 20/08/2021, 05:11 - Chia sẻ
Về nguyên tắc, các Quỹ bảo hiểm ngắn hạn hàng năm chỉ giữ lại 10% để dự phòng, thế nhưng tính đến hết năm 2020, tổng số kết dư Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ước đạt gần 935.174 tỷ đồng, trong đó các quỹ kết dư lần lượt là: Quỹ ốm đau, thai sản 12.772 tỷ đồng; Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp 53.751 tỷ đồng; Quỹ hưu trí, tử tuất 789.130 tỷ đồng; Quỹ BHTN là 89.141 tỷ đồng. Đây là những con số được nêu trong báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, tại Phiên họp thứ Hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, kết dư các Quỹ bảo hiểm ngắn hạn quá lớn là “không bình thường” và đề nghị Chính phủ báo cáo chi tiết. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: Số kết dư như trên phải chăng do quy định mức đóng quá lớn? Hay người lao động tuy đóng nhưng không được hưởng nên tồn đọng nhiều? Hoặc là cả hai, nghĩa là mức đóng cao mà mức chi thì ít? Các quỹ ngắn hạn mà có kết dư lớn sẽ gây gánh nặng cho người sử dụng lao động, ngân sách nhà nước và mất công bằng đối với người thụ hưởng.

Thường trực Ủy ban Xã hội cũng cho rằng, nhiều chế độ, chính sách liên quan đến các quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp thực tế chưa đi vào cuộc sống và chưa phát huy được vai trò chủ động của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là giá đỡ của thị trường lao động. Đơn cử như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, trong thời điểm Covid-19 hoành hành, thiếu việc làm, mà số kết dư lên tới trên 89.000 tỷ đồng. Rồi Quỹ ốm đau, thai sản dù có năm thứ hai liên tiếp “số thu nhỏ hơn số chi” nhưng vẫn có nguồn kết dư chuyển sang năm sau.

Nhiều năm qua, bảo hiểm xã hội được xem là trụ cột chính của an sinh xã hội, giúp người lao động bảo đảm cuộc sống khi tuổi già, ốm đau, bệnh tật… Tuy nhiên, do chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành được kế thừa từ các chính sách BHXH trong giai đoạn kế hoạch hóa tập trung, thiết kế dành cho công nhân viên chức khu vực nhà nước, nên khi mở rộng ra các khu vực kinh tế khác đã nảy sinh nhiều vấn đề chưa phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng và cân đối giữa mức đóng - mức hưởng.

Năm 2016, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đã lên tiếng về những bất cập trong tỷ lệ đóng góp bảo hiểm xã hội và phí công đoàn. Đến năm 2018, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng cho rằng, trong khi các nước trong khu vực chỉ đóng BHXH 5 - 13% lương tháng, thì Việt Nam lên tới 32%. Điều này tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp...

Với bảo hiểm hưu trí khó giảm vì đây là khoản dài hạn, trên nguyên tắc đóng - hưởng thì có thể rút ngắn thời gian đóng hơn cho phù hợp với nhiều đối tượng. Còn những khoản bảo hiểm ngắn hạn như bảo hiểm tai nạn, thất nghiệp, thai sản thì nên xem xét giảm mức đóng cho doanh nghiệp và người lao động. Những khoản ngắn hạn chỉ tính 3 - 5 năm, nên có thể cân đối linh hoạt phụ thuộc vào quỹ, như quỹ kết dư lớn có thể giảm mức đóng và ngược lại. Bởi thực tế thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam chỉ khoảng 4,2 triệu đồng/người/tháng. Dẫu biết đóng nhiều thì hưởng nhiều, song “chiếc bánh” thu nhập phải chia phần cho chi tiêu hiện tại và để dành khi về già, nếu đóng ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm manh áo của người lao động.

Rõ ràng, muốn thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng lên, giữ chân người lao động đang trong hệ thống thì phải đi kèm tăng quyền lợi, mở rộng phạm vi chế độ của người lao động được hưởng so với hiện nay theo hướng linh hoạt. Thêm các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện gắn với các chế độ tự nguyện, mở rộng thêm cả chế độ ốm đau, thai sản và bệnh nghề nghiệp. Mức đóng cũng linh hoạt theo từng gói, từng mức để tăng tính hấp dẫn, bảo đảm quyền lợi của người thụ hưởng.

Chi An