Hướng đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021

Có chính sách đột phá cho văn hóa

- Thứ Hai, 15/11/2021, 06:29 - Chia sẻ
Chia sẻ trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn cho rằng, cùng với quá trình xây dựng và phát triển đất nước, văn hóa cứu quốc đã chuyển thành văn hóa kiến quốc - tạo điều kiện thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Để phát huy hết vai trò, tiềm năng văn hóa, thời gian tới cần có một số giải pháp mang tính đột phá.
Ảnh: Q.Khánh

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định vai trò đặc biệt của văn hóa. Chính vì thế năm 1943, Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời xác định 3 nguyên tắc quan trọng trong phát triển văn hóa là: Dân tộc, khoa học và đại chúng. Tiếp đó, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 24.11.1946, trong bối cảnh ngày 20.11.1946, thực dân Pháp nổ súng ở Hải Phòng, tình thế đất nước ngàn cân treo sợi tóc, mọi tâm trí phải dồn vào cuộc chiến đối phó với cuộc tái chiếm miền Bắc của thực dân Pháp. Tại hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Tức là từ sức mạnh văn hóa truyền cảm hứng cho người dân, khai sáng cho dân tộc cách chúng ta giải phóng đất nước, vượt qua mọi khó khăn. Thông điệp quan trọng này đã theo suốt nền văn hóa cứu quốc.

Bước sang giai đoạn mới xây dựng và phát triển đất nước, văn hóa cứu quốc chuyển thành văn hóa kiến quốc, tạo điều kiện thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Để làm được như thế, chúng ta đã có rất nhiều biện pháp, từ nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa. Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới được xem như Hội nghị Diên Hồng về văn hóa, tập hợp ý kiến tâm huyết của mọi tầng lớp trong xã hội đóng góp cho sự phát triển văn hóa đất nước. Tôi hy vọng sau hội nghị này, Nhà nước sẽ có những giải pháp, kế hoạch hành động, chính sách phù hợp đưa văn hóa phát triển, khẳng định tầm quan trọng của phát triển văn hóa với phát triển đất nước thời gian tới.

Trong số giải pháp về chính sách để tạo môi trường, hành lang pháp lý thuận lợi cho văn hóa phát triển, cần có giải pháp mang tính đột phá. Một trong những giải pháp đã được nêu ở trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI cũng như trong một số văn bản khác, là tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, biến tiềm năng văn hóa thành lợi thế kinh tế, từ đó tạo động lực để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã tập trung nhiều hơn cho công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo: sử dụng tài năng sáng tạo, vốn văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm văn hóa có vị trí tốt hơn, tạo ra sự lan tỏa về tinh thần, giá trị từ sản phẩm văn hóa cụ thể như bộ phim, vở kịch, tác phẩm âm nhạc, hội họa... Một bộ phim của Mỹ có thể kiếm 2 tỷ USD, hay ban nhạc Hàn Quốc như BTS một năm đóng góp gián tiếp vào thu nhập cho người Hàn Quốc là 3,46 tỷ USD. Tại sao chúng ta không biến lợi thế về văn hóa với hàng nghìn năm lịch sử, có 54 dân tộc anh em với đặc trưng văn hóa riêng, trở thành chất liệu cho sản phẩm văn hóa nghệ thuật, tạo sự hấp dẫn của điểm đến Việt Nam?

Sự sôi động của đời sống văn hóa nghệ thuật giúp chúng ta thấy được rằng, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp nhiều vào việc xây dựng một xã hội năng động, đáng sống. Nếu tập trung vào công nghiệp văn hóa có thể tạo ra sự đột phá chung cho phát triển đất nước.

Thảo Nguyên ghi