Cơ chế xã hội hóa bảo vệ môi trường như thế nào?

- Thứ Hai, 19/10/2020, 08:01 - Chia sẻ
ĐBQH Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận)

Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã tiếp cận toàn diện các vấn đề đang đặt ra đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có những nội dung rất đổi mới. Từ thực tiễn tại Bình Thuận, tôi đồng tình rất cao với quan điểm xác định bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị. Nếu người dân không đồng tình, không tham gia thì sẽ khó thành công trong bảo vệ môi trường.

Dự án Luật này khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín cũng đã thiết kế một mục rất rõ về vai trò của mặt trận, các đoàn thể và vai trò giám sát của cộng đồng dân cư. Tôi chỉ phân vân một điều là làm sao thiết chế này phải được cụ thể hóa thành các nghị định, các quy định chi tiết để người dân thật sự phát huy được vai trò giám sát của mình và để cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tự giác thực hiện vấn đề này.

Tại Bình Thuận, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân với sự cố xảy ra ngày 14 - 15.4.2014 đã để lại hệ lụy hết sức phức tạp về an ninh trật tự. Từ sau đó, các nhà máy nhiệt điện thấy được vai trò của người dân tham gia giám sát công khai, người dân phải biết các vấn đề liên quan để góp ý và tạo sự đồng thuận. Do đó, các nhà máy đã chủ động cung cấp thông tin cho địa phương, chủ động thông báo cho nhân dân và lập phòng quan hệ cộng đồng để người dân được tham gia, được giám sát và được phát biểu ý kiến về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường. Cho nên, nếu có sự cố xảy ra thì người dân cũng thấy rằng đó là ngoài ý muốn của doanh nghiệp chứ không phải là cố tình vi phạm để gây ra hậu quả.

Cách làm như vậy đã tạo được sự đồng tình, chia sẻ của người dân. Điều này đem lại lợi ích không chỉ ở góc độ về an toàn môi trường mà còn cả về mặt xã hội, an ninh trật tự. Việc thể chế hóa vai trò của mặt trận, đoàn thể, vai trò giám sát của cộng đồng dân cư đối với các hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là yêu cầu rất quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn trong công tác bảo vệ môi trường.

Mặt khác, để bảo vệ môi trường tốt thì phải có nguồn lực. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường quy định tỷ lệ ngân sách cố định chi hàng năm cho công tác bảo vệ môi trường. Nhưng tính khả thi của vấn đề này như thế nào? Thực tế đã cho thấy, có nhiều quy định trong luật rất rõ ràng nhưng khi thực hiện lại không bảo đảm được. Thêm nữa, nguồn lực để đáp ứng công tác bảo vệ môi trường không chỉ của Nhà nước. Ở đây phải thực hiện xã hội hóa. Vậy thì cơ chế thực hiện xã hội hóa bảo vệ môi trường như thế nào để huy động được các thành phần kinh tế tham gia?

Bình Thuận có một việc là sạt lở bờ biển. Không bàn đến nguyên nhân nhưng hệ quả của việc sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, đến môi trường. Giải pháp để chống sạt lở thì có thể làm kè lấn biển để vừa thu hồi diện tích đất bị mất vừa chống sạt lở, tái sạt lở. Nếu đầu tư bằng nguồn lực của Nhà nước không nổi thì doanh nghiệp đầu tư, thông qua đó khai thác quỹ đất đã được đầu tư lấn biển tạo ra vùng kinh tế để bù đắp khoản chi phí. Đây là ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, nhưng khi đi vào thực hiện thì các nhà máy điện cho biết, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước không cho phép đầu tư ngoài ngành vì không phải ngành nghề đầu tư của các nhà máy nhiệt điện.

Đầu tư chống sạt lở cũng là bảo vệ cho chính các nhà máy và góp phần vào việc cải tạo môi trường, bảo đảm an toàn môi trường, nhà máy cũng được khai thác quỹ đất từ việc làm kè lấn biển để phát huy hiệu quả kinh tế, bù đắp chi phí còn Nhà nước thì đỡ tốn kém. Nhưng rõ ràng cơ chế, chính sách chưa quy định rõ nên không làm được.

Như vậy, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần quan tâm đến vấn đề cơ chế, chính sách pháp luật cụ thể để huy động nguồn lực bảo vệ môi trường như thế nào thì mới bảo đảm tính khả thi. Nếu như không có điều kiện này thì hiệu quả, hiệu lực pháp luật sẽ có chừng mực, không như mong muốn của chúng ta.