Phiên họp thứ Sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cơ chế đặc thù cho Cần Thơ: chưa thực sự đột phá

- Thứ Sáu, 10/12/2021, 13:44 - Chia sẻ
Tiếp tục phiên làm việc sáng 10.12, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, việc ban hành Nghị quyết là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn. Các cơ chế, chính sách đặc thù được Chính phủ trình cũng đã bảo đảm tính tương đồng với các thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù, phù hợp với Nghị quyết 59– NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, các cơ chế, chính sách này chưa thực sự đột phá, một số chính sách mới đề xuất nhưng chưa rõ căn cứ, chưa cụ thể, do đó, Chính phủ cần sớm hoàn thiện để bảo đảm tính thuyết phục khi trình Quốc hội.

Phát huy tiềm năng, lợi thế để Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững

Theo Báo cáo về Dự thảo Nghị quyết, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59 – NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Lê Quang Mạnh phát biểu tại Phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên các quan điểm chỉ đạo sau: Đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp, tính hệ thống của pháp luật; phù hợp phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Cần Thơ theo Nghị quyết số 59-NQ/TW; phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã k‎ý kết. Chỉ quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của thành phố Cần Thơ và thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có quy định hoặc khác với quy định của pháp luật hiện hành; phù hợp với bối cảnh thực tiễn của Thành phố và bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước. Tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thành phố, đồng thời bảo đảm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của Thành phố.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu
Ảnh: Lâm Hiển

Trình bày Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, việc ban Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn. Các cơ chế, chính sách đặc thù được Chính phủ trình đã bảo đẩm tính tương đồng với các thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù, phù hợp với Nghị quyết 59. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách, các cơ chế, chính sách này chưa có bước đột phá; một số chính sách mới đề xuất còn có điểm chưa rõ căn cứ, chưa cụ thể, cần sớm hoàn thiện để bảo đảm tính thuyết phục khi trình Quốc hội thông qua.

Cần đặc biệt quan tâm chính sách đặc thù Khu liên kết được hưởng mức ưu đãi 

Cho ý kiến tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, cũng như luận giải hợp lý của Chính phủ: về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; về quản lý đất đai, quy hoạch; về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; về khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Cần Thơ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn băn khoăn về các cơ chế, chính sách đặc thù mới để Cần Thơ thực sự trở thành đô thị hạt nhân, địa bàn trọng yếu, chiến lược đầu tàu, dẫn dắt cả Vùng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp 
Ảnh: Lâm Hiển

Để có đủ căn cứ chính trị pháp lý, thực tiễn làm cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung bổ sung làm rõ và quy định cụ thể về cơ chế, điều kiện, phạm vi hưởng ưu đãi… trong dự thảo Nghị quyết. 

Trong đó, đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là vấn đề hoàn toàn mới, quy định khác biệt so với các cơ chế đặc thù đã áp dụng đối với một số địa phương. Đây là cơ chế ưu đãi đối với một dự án cụ thể, tức là chính sách mang tính thời điểm, nhưng theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội "lại có tính chất ổn định để sau khi tổng kết có thể áp dụng lâu dài, là bước đột phá hợp lý, chấp nhận được" bởi các lý do sau: thứ nhất, việc nạo nét sẽ phù hợp với thực tế đã được Quy hoạch Vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và phù hợp với Nghị quyết 120 của Chính phủ về biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL. Thứ hai, phương thức vận chuyển đường thủy trên sông Hậu được triển khai thực hiện hiệu quả, và hàng năm vùng ĐBSCL sẽ bớt được chi phí khoảng 70-100 triệu USD/năm. Thứ ba, thực tế hiện nay nhiều đoạn trên Sông Hậu có độ sâu khoảng 3m nên chỉ đáp ứng được tàu ra vào khoảng 7.000 tấn; do đó để phát huy được toàn bộ các cảng đã đầu tư (8 cảng với tổng năng lực thông quan gần 20 triệu tấn hàng hóa/năm) cho tàu ra, vào 10-20 nghìn tấn, thì độ sâu của luồng phải từ 6,5m trở lên.

Đối với chính sách Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, vùng ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng gạo, 65% thủy hải sản và 70% rau quả cả nước, kim ngạch xuất khẩu nông sản hằng năm đạt 18 tỷ USD. Tuy nhiên, toàn vùng hiện nay chưa có trung tâm logistics cấp II theo quy hoạch tại Cần Thơ, chủ yếu chỉ dừng lại ở hệ thống kho trong các cảng biển, kho lạnh riêng lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu tập kết và cung ứng hàng xuất khẩu mang quy mô vùng. Tỷ lệ chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng là chưa cao, nhất là trái cây. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu 
Ảnh: Lâm Hiển

Đáng lưu ý, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, các sản phẩm nông nghiệp của Vùng ĐBSCL không tiêu thụ được nên sản phẩm quá lứa, quá thời gian thu hoạch, bị hư hỏng, ứ đọng gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp. Do vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh “trung tâm liên kết sẽ hình thành là cần thiết để tạo hệ thống logistics liên hoàn, tận dụng được ưu thế hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, cảng biển, đường hàng không và giải quyết các vấn đề bất cập đã nêu. Chính sách đặc thù Khu liên kết được hưởng mức ưu đãi đặc biệt cần được quan tâm”.

Qua ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện Báo cáo về Dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại đợt họp thứ hai của Phiên họp thứ Sáu, nếu đủ điều kiện mới trình Quốc hội xem xét.

Lâm Hiển