Cơ cấu lại ngành kinh tế đừng theo kiểu "dàn hàng ngang"

- Thứ Hai, 16/11/2020, 06:00 - Chia sẻ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nhiều chuyên gia cho rằng, lần này cần phải làm rõ, Việt Nam tái cơ cấu theo kiểu “dàn hàng ngang" mà tiến hay đặt trọng tâm vào một số ngành, lĩnh vực trọng điểm.

GS VÕ ĐẠI LƯỢC, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới:
Tập trung vào đổi mới sáng tạo

Việc cơ cấu lại ngành kinh tế đặt trong bối cảnh nước ta đang giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thực tế cho thấy, nước ta chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện nay, FDI chiếm trên 50% tỷ trọng ngành công nghiệp Việt Nam. Chúng ta cần thu hút FDI, nhưng với chính sách thu hút như hiện nay thì lợi ích Việt Nam được hưởng rất thấp. Với quy định có thể đầu tư 100% vốn nước ngoài thì không dại gì nhà đầu tư ngoại chọn liên doanh để bị ràng buộc. Do đó, doanh nghiệp trong nước khó “chen chân” vào chuỗi giá trị toàn cầu của họ. Vì vậy, cần xem xét lại chính sách thu hút FDI.

Tôi cho rằng, tới đây tăng trưởng kinh tế nước ta phải theo chiều sâu bằng cách đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Hiện nay, đầu tư cho đổi mới sáng tạo quá ít, không đủ để có sức bật. Muốn phát triển khoa học kỹ thuật phải mở ra các kênh để thúc đẩy phát minh sáng chế, thu hút và trọng dụng nhân tài khoa học công nghệ. Việc thu hút FDI cũng phải hướng vào những lĩnh vực khoa học công nghệ, không nên thu hút những dự án chỉ lắp ráp ở nước mình.

Về nông nghiệp, cần phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì mặt hàng nông sản Việt Nam hoàn toàn có khả năng đem lại giá trị tăng cao trong xuất khẩu. Đừng chỉ chăm chăm vào xuất khẩu thô với giá trị gia tăng thấp.

Nâng tỷ trọng ngành dịch vụ là xu hướng trên thế giới. Ở các nước phát triển, khu vực dịch vụ chiếm tới 70% GDP nhưng ở Việt Nam mới chỉ chiếm trên 40% GDP. Lĩnh vực dịch vụ bao gồm hàng chục ngành khác nhau, nước ta phát triển nhất là du lịch do được thiên nhiên ưu đãi cho danh lam thắng cảnh đẹp, bãi biển dài. Tuy vậy, chúng ta cũng chưa tận dụng được hết tiềm năng du lịch. Do đó, cần thiết phải thu hút các nhà đầu tư, nhân tài thế giới đến đầu tư, phát triển ngành du lịch để tương xứng với tiềm năng. Đối với các dịch vụ khác như tài chính, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông vẫn còn rất kém. Thời gian tới cần phải phát triển các ngành dịch vụ này.

TS LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: 
Xác định trọng tâm, trọng điểm trong từng ngành

Tiềm lực của chúng ta còn hạn chế, vì vậy phải tập trung trọng điểm vào những ngành có thể thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp. Thời gian qua, chúng ta đã thành công đáng kể khi vừa bảo đảm được an ninh lương thực, vừa có xuất khẩu lớn. Tới đây, cần điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xem xét mặt hàng nào đem lại lợi nhuận cao nhất để mở rộng sản xuất. Doanh nghiệp phải sản xuất theo hướng công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như xuất khẩu chính ngạch vào thị trường quốc tế.

Với công nghiệp, cần tiếp tục phát triển những ngành có lợi thế cạnh tranh như da giày, dệt may. Cùng với đó, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Đối với dịch vụ, nếu như nông nghiệp, công nghiệp phát triển tốt sẽ tạo điều kiện cho dịch vụ phát triển. Dịch vụ hậu cần, công nghệ thông tin sẽ bảo đảm nền kinh tế số hóa được an toàn và thông suốt.

Cho dù ở ngành nào, lĩnh vực nào doanh nghiệp cũng cần áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ, đồng thời vận dụng công nghệ thông tin để giảm bớt chi phí về thời gian, tiền bạc. Đối với Chính phủ, cần phát triển Chính phủ điện tử và nền kinh tế số hóa. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc cải cách thể chế, cải cách bộ máy, giảm giấy phép vì hiện doanh nghiệp vẫn gặp khó.

TS LÊ XUÂN BÁ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:
Phát triển công nghiệp chế biến chế tạo của người Việt

Bản kế hoạch cơ cấu lại ngành kinh tế không phải là bản cứng “cầm tay chỉ việc” mà chỉ đưa ra quan điểm định hướng lớn, xác định các chủ thể Nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì, bộ ngành làm gì? 

Cơ cấu ngành kinh tế được coi là quan trọng nhất so với cơ cấu thành phần kinh tế, vùng kinh tế. Mỗi ngành đều có hàng chục ngành khác nhau trong đó. Vì vậy phải làm rõ Việt Nam tái cơ cấu theo kiểu “dàn hàng ngang” mà tiến, hay phải có trọng tâm ở một số ngành trọng điểm?

Nước ta vẫn lập kế hoạch theo kiểu đầy đủ từ A đến Z. Cách tư duy làm kế hoạch, định hướng như vậy không ổn. Lập kế hoạch lần này phải hướng vào vài ba ngành nào trọng tâm, trọng điểm quốc gia, từ đó tập trung, dồn nguồn lực toàn xã hội vào làm cho bằng được.

Tôi chưa thấy một đất nước nào giàu lên từ nông nghiệp. Ngay cả nước Israel làm nông nghiệp rất tốt, nhưng trong cơ cấu ngành kinh tế của họ, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng kém, chủ yếu phát triển dịch vụ và công nghiệp. Nước ta chỉ nên phát triển nông nghiệp ở mức độ ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, còn lại tập trung phát triển công nghiệp, trong đó phát triển trọng tâm vào công nghiệp chế biến chế tạo của người Việt Nam.

Về ngành dịch vụ, Covid-19 xảy ra khiến ngành này chao đảo. Việt Nam phát triển dịch vụ rất nhiều nhưng tỷ suất lợi nhuận kém nhất. Dịch vụ vẫn ở cấp thấp là chính, một trong những nguyên nhân là do cơ sở nền sản xuất của nước ta rất kém. Hầu hết các ngành dịch vụ chủ yếu để phục vụ cho phát triển sản xuất, vì vậy muốn phát triển dịch vụ trước hết phải dựa trên nền công nghiệp phát triển.

Xét về lĩnh vực công nghiệp, cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến chế tạo. Việt Nam hiện nay thực chất có 2 nền kinh tế, một là nền kinh tế của FDI, một là nền kinh tế trong nước. Nền kinh tế trong nước ngày càng yếu đi, còn nền kinh tế FDI ngày càng mạnh lên, điều này thể hiện rõ qua chế tạo chế biến, xuất nhập khẩu, khoa học công nghệ. Đã đến lúc cần phải tập trung phát triển nền kinh tế của người Việt Nam. Nếu không, Việt Nam tăng trưởng vẫn cao, xuất khẩu vẫn tốt nhưng rất nguy hiểm và rủi ro cho nền kinh tế. 

An Thiện