Có cần thiết không?

- Thứ Ba, 23/03/2021, 08:20 - Chia sẻ
Theo Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường THCS công lập, có 3 hạng giáo viên theo thứ tự từ thấp đến cao là III, II, I. Tương ứng với đó, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp cũng khác nhau.

Cụ thể, với giáo viên hạng III, Thông tư đưa ra các quy định như chấp hành nghiêm túc các quy định, trau dồi đạo đức, thương yêu học sinh, chuẩn mực trong ứng xử... Với giáo viên hạng II, ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên THCS hạng III, giáo viên THCS hạng II phải luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo... Với giáo viên hạng I có thêm tiêu chí phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.

Trả lời báo chí về quy định này, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo Đặng Văn Bình cho rằng, dù đã có quy định riêng về đạo đức nhà giáo nhưng nhà giáo cũng là viên chức nên phải có sự kết hợp tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo và đạo đức nghề nghiệp. Ông Bình lý giải: Chùm thông tư mới phải tuân thủ quy định của luật, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Nội vụ. Đó là mỗi hạng chức danh nghề nghiệp ngoài tên hạng phải có các tiêu chuẩn về nhiệm vụ, về đạo đức, về trình độ nghiệp vụ và chuyên môn nghề nghiệp. Chúng ta có tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo thống nhất ở các hạng nhưng ở hạng cao sẽ có yêu cầu về mức độ thực hiện cao hơn...

Những lý giải của ông Bình có vẻ là hợp lý. Thế nhưng nếu chiếu theo những quy định khác thì lại chưa hợp lý. Ví dụ như theo quy định tại Điều 4, Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo là tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, l­ương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lư­ợng, đối xử hòa nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng. Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trư­ờng, của ngành. Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

Hay theo quy định tại Khoản 2, Điều 3, Luật Viên chức thì đạo đức nghề nghiệp là các chuẩn mực về nhận thức và hành vi phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định. Như vậy chỉ có một bộ quy tắc, chuẩn mực chung về đạo đức nghề nghiệp và những người trong nghề phải tuân thủ chứ không quy định các tiêu chí cao thấp theo thứ hạng viên chức...

Đạo đức là tập hợp các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội nhằm điều chỉnh, đánh giá hành vi của con người đối với bản thân và trong quan hệ với người khác, với xã hội. Đạo đức là khuôn mẫu, tiêu chuẩn để xây dựng lối sống, lý tưởng mỗi người. Chức năng cơ bản của đạo đức là điều chỉnh hành vi của con người theo các chuẩn mực và quy tắc đạo đức đã được xã hội thừa nhận bằng sức mạnh của lương tâm cá nhân, dư luận xã hội, tập quán truyền thống và của giáo dục. Vậy thì liệu có cần thiết phải quy định giáo viên hạng này phải có các quy định về đạo đức cao hơn hạng kia hay không?

Khánh Ninh