Cơ bản kiểm soát được dịch tại 2 bệnh viện trung ương

- Thứ Năm, 13/05/2021, 06:34 - Chia sẻ
Dự kiến cuối tuần này, Bệnh viện K sẽ hoàn thành xét nghiệm lần 2 với toàn bộ nhân viên ở 3 cơ sở. Nếu kết quả âm tính, Bệnh viện K đề xuất Bộ Y tế xem xét mở cửa lại cơ sở 1 (Phan Chu Trinh) và cơ sở 2 (Tam Hiệp). Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng mong muốn được chuyển các bệnh nhân thường đã có 3 lần âm tính tới các cơ sở y tế khác để nhận bệnh nhân Covid mới.
Nguồn: Báo Lao động

80% bệnh nhân không phải thở máy

Ngày 12.5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm việc trực tuyến với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K để rà soát biện pháp chống dịch.

Theo TS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tính tới sáng 12.5, cơ sở 2 của Bệnh viện đang điều trị 284 bệnh nhân dương tính. Trong số các bệnh nhân Covid-19, có 9 nhân viên y tế và học viên, 13 bệnh nhi. Ngoài 5 ca nguy kịch, còn có 11 bệnh nhân thở oxy, 14 bệnh nhân nặng.

Khả năng trong tuần này, Bệnh viện sẽ cơ bản kiểm soát được bệnh nhân Covid-19. Với số lượng người đang điều trị, cách ly trong bệnh viện đông, mật độ dày, TS. Phạm Ngọc Thạch mong muốn được chuyển các bệnh nhân thường (không mắc Covid-19) nặng và không nặng đã có 3 lần âm tính tới các cơ sở y tế khác để nhận bệnh nhân Covid mới.

PGS. TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, dự kiến cuối tuần này, Bệnh viện K hoàn thành xét nghiệm lần 2 với toàn bộ nhân viên ở 3 cơ sở. Nếu kết quả âm tính, Bệnh viện K đề xuất Bộ Y tế xem xét mở cửa lại cơ sở 1 (Phan Chu Trinh) và cơ sở 2 (Tam Hiệp).

Đáng chú ý, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K cho biết, đa số người mắc Covid-19 không có triệu chứng nên việc khám sàng lọc người vào bệnh viện rất khó khăn. Nếu chỉ đo thân nhiệt, hỏi dịch tễ, bệnh viện rất khó phát hiện người dương tính với SARS-CoV-2.

"Thực tế đến nay, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước và hai bệnh viện", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định. Từ kinh nghiệm của 2 bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế rà soát công tác phòng, chống dịch bệnh; định kỳ ít nhất 7 ngày phải xét nghiệm cho cán bộ, nhân viên làm việc ở nơi có nguy cơ.

Trong đợt dịch này, trên 80% bệnh nhân Covid-19 không phải thở máy. Bệnh nhân chủ yếu dùng thuốc giảm triệu chứng, dinh dưỡng, nâng cao thể lực để chống lại virus. Khi cơ thể khỏe mạnh, nâng cao thể trạng khi đó bệnh sẽ khỏi sau khoảng 14 ngày. Tuy nhiên, do biến thể virus mới vẫn đang được nghiên cứu, nên Việt Nam đã nâng số ngày cách ly lên 21 ngày, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.

Content...

Lên phương án chống dịch theo từng cấp độ

Trước nguy cơ dịch bệnh tấn công, nhiều bệnh viện đã lên phương án chống dịch theo từng cấp độ, kể cả trường hợp xấu nhất là bị phong tỏa.

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) ngưng tuyệt đối hoạt động thăm bệnh; tăng cường khai báo y tế và giám sát khai báo y tế đối với bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân và cả đội ngũ y bác sĩ, nhân viên cung cấp dịch vụ khi vào bệnh viện. Tất cả các trường hợp này đều được sàng lọc yếu tố dịch tễ, triệu chứng, khai báo y tế “kép” (thực hiện khai báo y tế ở cổng vào và khai báo y tế tại khoa). Bệnh viện cũng đã quản lý người chăm bệnh nhân bằng dấu vân tay để bảo đảm không “lọt sổ” ca bệnh xâm nhập vào nội viện. Tất cả bệnh nhân khi có chỉ định nhập viện đều được xét nghiệm Covid-19. 100% thân nhân bệnh nhân ở các khoa có yếu tố nguy cơ cao như: Thận nhân tạo, Hô hấp, Hồi sức cấp cứu, Tim mạch đều được xét nghiệm Covid-19. Đối với các khoa khác, khoảng 10% thân nhân bệnh nhân sẽ được tầm soát Covid-19 ngẫu nhiên.

Tình huống bệnh viện bị dịch bệnh xâm nhập, các cấp độ phong tỏa sẽ từ thấp đến cao. Tùy từng cấp độ, bệnh viện đã dự trù các phương án về phân luồng lối đi, bảo đảm phương tiện và thuốc men điều trị, nơi chốn nghỉ ngơi, cung cấp suất ăn và nước uống, hình thức giặt giũ…

Tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP. Hồ Chí Minh), từ cổng đến khoa phòng, bệnh nhân và thân nhân phải qua 3 chốt chặn sàng lọc, khai báo y tế. Khu sàng lọc đầu vào đã được thiết kế đưa ra ngoài tòa nhà, bảo đảm trật tự vệ sinh thông thoáng, cách ly so với khu nhà chính. Trường hợp tại khoa bị phong tỏa, bệnh viện sẽ thực hiện các phương châm tại chỗ. Nhân viên y tế không được rời khỏi khoa, được bảo đảm mọi nhu cầu thiết yếu; thực hiện hội chẩn trực tuyến. Các bác sĩ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp xấu nhất.

Ngày 12.5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có thư gửi các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành y tế.

Trong thư, Bộ trưởng cảm ơn sâu sắc vì những đóng góp và sự nỗ lực của các đồng nghiệp suốt thời gian qua đã tận tâm hết mình, bất chấp vất vả, gian nan, hiểm nguy, thực sự là những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, cùng với các lực lượng tuyến đầu khác, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành y tế cần được đặt trong tình trạng tập trung cao độ. “Trong cuộc chiến không tiếng súng này, có thể chúng ta phải chịu đựng những thiệt thòi, những rủi ro, nhưng không vì thế mà chúng ta chùn bước... Chúng ta không được phép chậm trễ, không được phép ngơi tay. Trách nhiệm bảo đảm sức khỏe, cuộc sống của Nhân dân và sự bình an của đất nước đang nằm trên vai chúng ta”.  Bộ trưởng cũng bày tỏ tin tưởng toàn ngành y tế sẽ chung một nhịp đập vì sức khỏe của Nhân dân, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Quang Khánh