Chuyện về một anh hùng bảo vệ Thủ đô

- Thứ Năm, 30/12/2021, 05:50 - Chia sẻ
Những ngày thu tháng 10, chúng tôi men theo sông Đuống về làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, tìm gặp một người con Hà Nội. Giữa thủy đình, một cụ già đang say sưa hướng dẫn các diễn viên trẻ tập tiết mục múa rối nước “Hà Nội chiến thắng B52”. Nếu không được giới thiệu, chúng tôi không thể đoán được rằng, cụ già có dáng người mảnh khảnh, ánh mắt tinh anh kia đang cùng hàng chục con rối kể câu chuyện của chính mình và đồng đội - những anh hùng bắn B52 trên bầu trời Hà Nội tháng 12.1972.
Đại tá, nghệ nhân Đinh Thế Văn bên những con rối
Ảnh: Hoàng Ngọc Thạch

Ông là đại tá, nghệ nhân Đinh Thế Văn - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 Bộ đội tên lửa anh hùng. “Lão chiến sĩ” kiêm “lão nghệ nhân” của làng Đào Thục bình dị này từng theo hai anh vượt đèo Pha Đin lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng với vai trò là chiến sĩ pháo binh.

Khi cờ Tổ quốc bay trên nóc hầm Đờ Cát cũng là lúc chàng trai ngoại thành Hà Nội 17 tuổi đời 2 tuổi quân ấy theo đoàn quân chiến thắng của Đại đoàn Pháo cao xạ xuôi về đóng quân tại Thái Nguyên. Dẫu không có mặt trong đoàn quân tiếp quản thủ đô của các Sư đoàn 304, 308, song Đại tá Đinh Thế Văn cũng có những ký ức tuyệt đẹp về khoảnh khắc trở lại quê hương ngày 16.12.1955, trong đội hình của Trung đoàn Pháo cao xạ 685.

Bảo vệ bầu trời Hà Nội

Đại tá Đinh Thế Văn nhớ lại: “Ngày 16.12.1955, đơn vị của tôi là Trung đoàn Pháo cao xạ 685 được lệnh hành quân từ Thái Nguyên về Hà Nội để triển khai đội hình chiến đấu bảo vệ thủ đô, biên chế gồm có 3 tiểu đoàn súng máy 12,7mm và 2 tiểu pháo 88mm. Hồi ấy tôi còn rất trẻ, theo các anh lớn tuổi đi dựng lán trại đóng quân ở khu vực Chèm ngoại thành Hà Nội. Người dân vô cùng yêu quý bộ đội, giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ bầu trời Hà Nội trước sự tấn công của kẻ thù từ trên cao. Năm 1958, Trung đoàn Pháo cao xạ 685 được đổi tên thành Trung đoàn Pháo cao xạ 250, còn được gọi là Trung đoàn Thăng Long”.

Ngày ấy, đón ba con trai trong đoàn quân thắng trận trở về, cụ Đinh Văn Viết, một nghệ nhân rối nước có tiếng của Đào Thục, dự liệu sẽ để cậu con trai út Đinh Thế Văn kế thừa nghề tổ. Song chính người cha ấy lại động viên con tiếp tục đường binh nghiệp, bởi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã thôi thúc biết bao thanh niên lên đường Nam tiến. Vừa chiến đầu rèn luyện, vừa học hỏi kinh nghiệm, Đinh Thế Văn từng bước khẳng định mình và trở thành Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 Bộ đội tên lửa khi mới ngoài 30 tuổi.

Năm 1972, sau thất bại nặng nề trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, Mỹ tăng cường thực hiện chiến tranh phá hoại lần thứ hai với quy mô và cường độ mạnh hơn hẳn. Tuy nhiên, trải qua những tháng ngày chiến đấu quả cảm, chúng ta đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”. Trong chiến công vang dội trên bầu trời Hà Nội năm ấy, có đóng góp quan trọng của Tiểu đoàn 77 đóng quân trên trận địa Chèm, một trong hai đơn vị phòng không của Quân chủng Phòng không Không quân bắn rơi nhiều máy bay B52 nhất, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng. Bản thân Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang năm 2013.

“So với cách đánh “bắn ba điểm” được huấn luyện kỹ lưỡng, cách đánh “vượt nửa góc” do Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn sáng tạo và chỉ đạo anh em trong kíp trắc thủ chúng tôi thực hiện nguy hiểm hơn rất nhiều. Bởi máy bay địch có thể dùng tên lửa tấn công trận địa nếu ta không tắt sóng rađa kịp thời, đòi hỏi các trắc thủ phải thao tác nhanh gọn, dứt điểm và có sự phối hợp đồng bộ, trên hết là phải có lòng dũng cảm. Ngay khi khói bom vừa dứt, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại trận địa Chèm để nghe báo cáo cách đánh B52 mới này” - Thượng tá Nguyễn Mạnh Quyền, nguyên trắc thủ chuẩn bị đạn, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, kể lại.

Hồi sinh phường rối Đào Thục

Năm 1989, Đại tá Đinh Thế Văn nghỉ hưu. Bàn tay cầm súng bao năm giờ đây lại làm quen với những con rối quê mình. Ông dành thời gian đi gặp gỡ nhân dân, chính quyền địa phương những mong tìm cách phục dựng nghề rối nước đã mai một qua năm tháng. Năm 1990, nỗ lực này đã có kết quả khi phường rối dần hình thành, các nghệ nhân đi làm ăn xa cũng quay về giữ nghề tổ. Ít lâu sau, tòa thủy đình ngay giữa làng được đầu tư xây dựng, các tích trò truyền thống được dựng lại và đem ra biểu diễn cho khách muôn phương.

Nghệ nhân Đinh Thế Văn vừa biểu diễn, vừa truyền dạy và dàn dựng hàng chục tiết mục mới, trong đó có hoạt cảnh đặc sắc tái hiện lịch sử Hà Nội kiên cường chiến đấu với B52 mà chúng tôi được xem khi đến Đào Thục. Dù còn nhiều khó khăn, song phường rối Đào Thục vẫn đang là một trong số hiếm làng nghề dân gian bước đầu sống được và bảo vệ được vốn văn hóa dân gian cổ truyền. Lưng vốn của Đào Thục hiện nay là hơn 20 nghệ sĩ nông dân và 30 tích trò có dấu ấn riêng biệt như: “Ba khí giáo trò”, “Lên võng xuống nước”, “Trâu chui ống”, “Rước ảnh Bác Hồ”, “Hà Nội chiến thắng B52”... Những con rối vốn vô tri đã trở thành những diễn giả rất có duyên, kể cho bạn bè muôn phương những câu chuyện giản dị mà tràn đầy tự hào dân tộc.

Còn chúng tôi, qua câu chuyện nhỏ của mình cũng xin được kể về ông, một anh hùng đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời để bảo vệ những điều quý giá của thủ đô nghìn năm văn hiến.

Đặng Tuệ Lâm