Cà phê phin

Chuyện tử tế

- Chủ Nhật, 14/11/2021, 07:53 - Chia sẻ
Ngày 13.11 hàng năm được gọi là Ngày tử tế thế giới, do Phong trào tử tế thế giới, một tổ chức phi lợi nhuận khởi xướng năm 1997 ở Tokyo để nêu lên tầm quan trọng của việc sống tử tế với mọi người, làm những điều nhỏ nhất có ý nghĩa cho nhau trong cuộc đời.

1. Bạn muốn con mình trông luôn thật đẹp trên Facebook hoặc trong các album ảnh, và vì thế, bạn coi việc chỉnh sửa ảnh để làm cho con đẹp hơn là chuyện bình thường? 

Jennifer Greene, một bà mẹ Mỹ, không muốn con gái 12 tuổi Madeline của mình như thế, vì cô sợ rằng, con cô sẽ bị áp lực bởi việc lúc nào trông mình cũng phải thật hoàn hảo trong những bức ảnh. Vì thế, cô đã cảm thấy rất bực mình trước việc một công ty dịch vụ ảnh yêu cầu phụ huynh phải trả thêm một khoản tiền nhỏ để họ chỉnh sửa những “khiếm khuyết” trên mặt học sinh, như làm trắng da, trắng răng hay tẩy tàn nhang trên mặt học sinh khi họ làm bộ album ảnh của lớp.

"Tôi phản đối việc chỉnh sửa ảnh học sinh, bởi điều này dạy học sinh rằng, chúng lúc nào cũng cần phải trông thật hoàn hảo và chúng có thể làm được điều đó chỉ bằng cách chỉnh sửa ảnh”, Green nói với tờ New York Post. Việc chỉnh sửa ảnh này trên thực tế không bắt buộc và chỉ là một dịch vụ thực hiện thêm, nhưng nhiều ông bố bà mẹ Mỹ bắt đầu cảm thấy lo ngại bởi việc con cái họ lúc nào cũng nghĩ đến việc làm cho bản thân mình trở nên hoàn hảo trong các bức ảnh, dù là trên mạng xã hội hay các album ảnh, vì điều này có thể tạo ra áp lực và sự trầm cảm, nhất là đối với trẻ em gái.

 Một bà mẹ khác ở Tampa, bang Florida, cũng tỏ ra rất bực mình khi không thấy những nốt tàn nhang trong ảnh lưu niệm cuối năm của con trai mình. Trong khi đó, một bà mẹ có hai con khiếm thính khác cũng rất phẫn nộ khi thấy thiết bị trợ thính trên tai con trai 3 tuổi của mình đã bị tẩy xóa trong bức ảnh lưu niệm cuối năm của lớp. “Con tôi đeo trợ thính. Đấy là thứ khiến con nghe được. Nó là một phần của con trai tôi và con thích nó”, cô nói trong một clip Tik Tok của mình. “Việc chỉnh ảnh này giống như là khẳng định rằng khiếm thính là một điều đáng xấu hổ”.

Yamalis Diaz, một nhà tâm lý học trẻ em, cho rằng, trẻ em có thể sẽ không chú ý những chỉnh sửa nho nhỏ để làm cho bức ảnh đẹp lên, như chỉnh màu, chỉnh tương phản, nhưng tác hại lâu dài của một tấm ảnh quá hoàn hảo là rất nguy hiểm, khi trẻ nhận ra rằng, những điều khác biệt hoặc khiếm khuyết trên khuôn mặt của chúng với những trẻ khác có thể được chỉnh sửa chỉ bằng Photoshop. Điều đó không phản ánh đúng sự thật như khi trẻ nhìn mình trong gương.

Diaz khẳng định rằng, việc luôn cố tỏ ra hoàn hảo trong một bức ảnh không thật có thể dẫn đến những lo lắng, trầm cảm và áp lực. Không như người lớn, trẻ em luôn trong quá trình tự học nhận thức bản thân mình, và một tấm ảnh không thật về chúng có thể tạo ra hoặc những ảo tưởng, cảm giác lừa dối hoặc những nỗ lực để kiếm tìm một sự hoàn hảo không có thật. Cô nói: “Thay vì chấp nhận ngoại hình của mình cũng như những khiếm khuyết của bản thân và thừa nhận nó, thì bạn tìm cách sửa nó hoặc giấu nó đi. Đấy là một điều nguy hiểm”.

2. Vào đầu tháng 10, Matthew Sandbrook nhận được một tin khủng khiếp từ bác sĩ. Matthew, 36 tuổi và là cha của 3 đứa con, được chẩn đoán có khối u não đang phát triển và không thể mổ được. Anh được báo chỉ còn vài tuần để sống. 

 Đối với nhiều bệnh nhân ở giai đoạn cuối cuộc đời, nỗi bi quan, sợ hãi và buồn bã là dễ hiểu. Matthew cũng trong tâm trạng ấy và anh nói với Rebecca Rushton, người bạn gái sống lâu năm với anh, rằng anh nhớ Giáng sinh, anh sẽ qua đời năm nay mà không được đón Giáng sinh. Thế là Rebecca cùng với một người em của mình quyết định nhờ những người bạn bè và hàng xóm của họ ở Worcester, Anh, giúp Matthew có một Giáng sinh sớm mà không nói gì cho Matthew biết.

Matthew không thể nghĩ được rằng, vào ngày Giáng sinh sớm của mình, hơn 200 người đã có mặt trước cửa nhà anh để cùng đón Giáng sinh sớm. Họ, nhiều người không quen Matthew, mua quà cho anh, hóa trang thành những chú lùn và ông già Noel, thậm chí thuê một cái máy làm tuyết để tạo khung cảnh mùa đông. Khi Matthew và gia đình xúc động ngắm khung cảnh ấy, những người hàng xóm và bạn bè bắt đầu hát các bài Giáng sinh. Đối với Matthew, đấy là Giáng sinh đẹp nhất đời anh.

Nói lời từ biệt với một ai đó ta yêu mến không hề dễ dàng. Matthew còn quá trẻ khi con đường phía trước của anh đã bị chặn lại. Nhưng cộng đồng những người đã đến làm Giáng sinh sớm cho Matthew nói rằng, họ sẽ không để gia đình anh cô đơn trong chặng đường phía trước, và đó là những lời hứa đầy ý nghĩa và nhân văn về sự tử tế được sẻ chia, khi vào dịp cuối năm, lễ Tạ ơn cũng đang đến gần.

3. Ngày 13.11 hàng năm được gọi là Ngày tử tế thế giới, do Phong trào tử tế thế giới, một tổ chức phi lợi nhuận khởi xướng năm 1997 ở Tokyo để nêu lên tầm quan trọng của việc sống tử tế với mọi người, làm những điều nhỏ nhất có ý nghĩa cho nhau trong cuộc đời. Từ việc ban đầu chỉ có vài nước kỷ niệm ngày này, Ngày tử tế thế giới đã được tiến hành ở rất nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ và nhiều nước châu Âu. 

Ý nghĩa của việc tử tế cũng được đưa vào nhiều trường học và cộng đồng dân cư ở nhiều nước, và Ngày tử tế thế giới 2021, Phong trào tử tế thế giới một lần nữa nhắc lại việc ta có thể làm điều gì cho mọi người: Gửi những thông điệp mang tính động viên, hỏi han đến bạn bè hoặc thành viên gia đình; Nở nụ cười với một ai đó ta gặp; Nói chuyện với một người thân nào đó lâu ta chưa gặp hoặc nói chuyện; Tặng hàng xóm bánh, kẹo hoặc đồ ăn ta tự làm; Đối xử tử tế với thú cưng; Hãy là một người biết lắng nghe người khác; Hãy tự biết chăm sóc mình, và có thể chia sẻ một trích dẫn nào đó về tử tế với mọi người. Và câu trích dẫn của tôi là: “Một nụ cười ấm áp chính là ngôn ngữ chung của sự tử tế” (William Arthur Ward, nhà văn Mỹ).

Vậy đấy, hãy lan tỏa sự tử tế, bằng những điều giản dị nhất, một nụ cười, một lời cám ơn, một sự cảm thông, một hành động đem đến niềm vui cho người khác, và cũng là niềm vui cho chính ta…

Anh Ngọc