Chuyên tâm và chuyên nghiệp

- Thứ Tư, 21/04/2021, 08:08 - Chia sẻ
Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020, nhiệm kỳ Khóa XV, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ được tăng lên so với các nhiệm kỳ trước, phấn đấu bảo đảm ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội chuyên trách nhằm góp phần tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ ở việc tăng tỷ lệ mà quan trọng hơn nữa là chất lượng đại biểu chuyên trách như thế nào. Vì thế, yêu cầu xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị, giới thiệu nhân sự ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua là phải lựa chọn được những đại biểu ngang tầm nhiệm vụ, thực sự chuyên tâm và chuyên nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các đại biểu chuyên trách ở Trung ương tháng 4.2021
Ảnh: Quang Khánh

Chủ động tạo "nguồn" ứng cử viên

Khác với nghị viện nhiều nước trên thế giới, đa phần đại biểu Quốc hội nước ta vẫn hoạt động kiêm nhiệm; nhiều đại biểu nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Đại biểu kiêm nhiệm, theo quy định, phải dành khoảng 30% thời gian cho hoạt động của Quốc hội. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến tính chuyên sâu, chuyên nghiệp trong các hoạt động của Quốc hội. Từ kinh nghiệm thực tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) chia sẻ, một đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, nếu ngồi họp Quốc hội mà lại bị phân tâm bởi những công việc quan trọng khác phải gánh vác hoặc không có đủ thời gian để nghiên cứu tài liệu, không sắp xếp được thời gian tham gia các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, không cập nhật được tình hình qua báo chí… thì dù giỏi đến mấy cũng rất khó "tròn vai". 

Nếu đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm trong hoạt động của Quốc hội thì đại biểu Quốc hội chuyên trách chính là lực lượng nòng cốt trong việc triển khai thực hiện các công việc của Quốc hội, từ lập hiến, lập pháp, giám sát đến quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Vì vậy, việc nâng tỷ lệ tối thiểu đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách từ 35% lên 40% tổng số đại biểu Quốc hội ngay từ nhiệm kỳ Khóa XV là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Cùng với việc phấn đấu đạt về tỷ lệ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, người ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách phải hội đủ những tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết của một đại biểu Quốc hội chuyên trách. Trong đó, bà đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố bản lĩnh. “Bản lĩnh ở đây là bản lĩnh để nhìn ra cái đúng và dám bảo vệ cái đúng; bản lĩnh để nhìn ra được cái sai và phản biện cho được để cuối cùng đi đến quyết định đúng đắn. Mặt khác, đại biểu chuyên trách phải bám sát thực tiễn, có tinh thần cầu thị, lắng nghe, chọn lọc và tiếp thu những cái đúng…”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.

Nguyên Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho biết, không phải đợi gần đến khi tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV mà các cơ quan hữu quan đã chủ động chuẩn bị nguồn nhân sự ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách Khóa XV từ rất sớm. Đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã cùng với các bộ, ngành rà soát, phát hiện các ứng cử viên tiềm năng để đưa vào quy hoạch làm đại biểu Quốc hội chuyên trách. Đảng đoàn Quốc hội cũng xây dựng phương hướng, cơ cấu, tiêu chuẩn đại biểu chuyên trách để trên cơ sở danh sách quy hoạch, tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tiến hành sàng lọc, lựa chọn những người phù hợp. Quy trình thẩm định hồ sơ được tiến hành chặt chẽ nhằm bảo đảm lựa chọn được các ứng cử viên xuất sắc.

Tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách Khóa XV cũng được quy định cụ thể và chặt chẽ hơn so với trước đây. Ngoài tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương còn yêu cầu người ứng cử đại biểu chuyên trách phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện như trình độ đào tạo đại học trở lên; phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ vụ trưởng, giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên… Điều này có nghĩa là không phải cán bộ nào đang làm việc ở các bộ, ngành, địa phương cũng có thể ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách mà đòi hỏi ứng cử viên phải có kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm lãnh đạo và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra, người ứng cử đại biểu chuyên trách ở Trung ương còn phải có quy hoạch chức danh thứ trưởng. Trường hợp ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách để làm phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương phải là tỉnh ủy viên, đang giữ chức vụ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, có quy hoạch một trong các chức danh như: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy; phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.

Đóng góp xứng đáng cho Quốc hội

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, nhất là công tác chuẩn bị về nhân sự đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ cho biết, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quán triệt sâu sắc chỉ thị của Bộ Chính trị, tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các văn bản có liên quan, bảo đảm công tâm, khách quan, đúng quy định. Trên cơ sở thông báo Kết luận số 174-TB/TW của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương, Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Công tác đại biểu, các cơ quan hữu quan triển khai các bước chặt chẽ, đúng quy định, đúng hướng dẫn.

"Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương đều có trong quy hoạch, được các cơ quan lựa chọn, giới thiệu qua các bước rất chặt chẽ, có sự tìm hiểu, đánh giá cả về hồ sơ và thực tế công tác; được giới thiệu với tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao. Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát, giới thiệu nhân sự đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có năng lực, trình độ để giới thiệu ứng cử, bảo đảm năng lực thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội", Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh. Đối với một số trường hợp theo Hướng dẫn số 36 cần phải có sự trao đổi với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng, thận trọng và trên cơ sở thống nhất của Ban Tổ chức Trung ương mới giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. 

Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tiếp thu ý kiến của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan tiếp tục rà soát các ứng cử viên một cách kỹ lưỡng, thận trọng, bám sát tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định. Tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hôm 16.4, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, danh sách ứng cử viên dự kiến sẽ hoạt động chuyên trách trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV do Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị, giới thiệu đều là cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn sâu, nổi trội, nhiều kinh nghiệm về xây dựng pháp luật, công tác giám sát, tham mưu quyết định những vấn đề quan trọng; có uy tín, triển vọng phát triển; được các cơ quan của Quốc hội giới thiệu với số phiếu tín nhiệm cao; được cơ quan nơi công tác và cử tri nơi cư trú giới thiệu tuyệt đối để tham gia ứng cử.

Kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ ba cũng đã cho thấy sự đồng thuận, nhất trí rất cao của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các đại biểu tham dự hội nghị đối với ứng cử viên đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội do các cơ quan trung ương giới thiệu, trong đó có các ứng cử viên dự kiến sẽ hoạt động chuyên trách. 

Với quy trình hết sức chặt chẽ, thận trọng như vậy, có cơ sở để tin rằng, các đại biểu Quốc hội chuyên trách Khóa XV sẽ hoạt động tích cực, phát huy vai trò, năng lực, bản lĩnh để có đóng góp xứng đáng cho hoạt động của Quốc hội. 

Nhật An