Chuyện sau sáp nhập

- Thứ Tư, 30/09/2020, 06:19 - Chia sẻ
Sẽ có 3 quận và 19 phường ở TP Hồ Chí Minh phải sáp nhập theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. 

Những phường được sắp xếp đều nằm ở vị trí lõi trung tâm của thành phố. Ngoài áp lực quản lý hành chính, quản lý nhà nước, phục vụ người dân địa phương, còn có khách du lịch, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân, sinh viên các trường đại học, người dân tạm cư cao gấp nhiều lần dân số địa phương (như tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Hùng Vương, Bệnh viện Đại học Y Dược, ký túc xá Trường Đại học Bách Khoa…).

Ở cấp huyện, TP Hồ Chí Minh dự kiến sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để hình thành một đơn vị hành chính mới, tạm gọi là "thành phố phía Đông". Kỳ vọng của thành phố là đưa khu vực này trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của “hòn ngọc Viễn Đông” và vùng Đông Nam Bộ.

Sắp xếp đơn vị hành chính để tiến tới một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả và phục vụ nhu cầu phát triển là rất cần thiết. Tuy vậy, việc này chắc chắn sẽ làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Ít nhất, người dân, doanh nghiệp phải tốn thời gian, tiền bạc để thay đổi thông tin hồ sơ, giấy tờ...

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các quận, phường mới hình thành sau khi sắp xếp chủ động triển khai, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ. Người dân cũng không phải đóng các loại phí, lệ phí khi chuyển đổi. Trường hợp chưa chuyển đổi nhưng giấy tờ vẫn còn thời hạn thì người dân tiếp tục được sử dụng tại đơn vị hành chính mới. 

Đây là cách nhiều địa phương đã áp dụng để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đối với người dân, doanh nghiệp khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và xã theo Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị.

Nghị quyết 37 nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Theo kế hoạch, đến năm 2021, các địa phương cơ bản hoàn thành việc sáp nhập các quận, huyện, phường, xã, thị trấn chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Trong quá trình này, các địa phương phải lấy người dân làm trung tâm, đặt lợi ích của dân lên hàng đầu. Không nên vì quá tập trung vào việc sắp xếp bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức mà bỏ quên quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, nhất là gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt bình thường của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Quan trọng nhất khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính là đổi mới cả hệ thống quản trị để tạo sự đột phá, đổi mới về chất, chứ không phải là sáp nhập cơ học về lượng, về hình thức. Có như vậy, người dân mới được hưởng lợi thực sự từ quá trình này.

Nói đến “quản trị” là nói đến hoạt động quản lý trong các tổ chức. “Quản trị địa phương” cũng là một cách tiếp cận theo hướng này, qua đó, hướng đến tạo điều kiện để người dân tham gia nhiều hơn vào các công việc của địa phương - mà thực chất là những chuyện sát sườn với cuộc sống hàng ngày của bà con: chuyện học hành, chuyện khám chữa bệnh, chuyện công ăn việc làm, chuyện thủ tục đất đai, nhà cửa...

Nếu theo dõi những chỉ số đánh giá năng lực của địa phương cũng như cảm nhận của doanh nghiệp và người dân ở địa phương như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hay Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), có thể thấy xu hướng tiến bộ trong hệ thống quản trị công của nước ta trong chục năm trở lại đây.

Tuy nhiên, sự tiến bộ này không đồng đều, thể hiện ở khoảng cách lớn giữa nhóm dẫn đầu và cuối bảng. Vì vậy, cùng với sắp xếp các đơn vị hành chính, “nhất thể hóa” tiêu chuẩn quản trị của các địa phương khác nhau vẫn cần là một ưu tiên chính sách trong giai đoạn phát triển tới.

Sa Nam