Chuyên sâu, chủ động và hiệu quả hơn

- Chủ Nhật, 14/03/2021, 07:58 - Chia sẻ
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cũng như nâng cao chất lượng hoạt động, ngay đầu nhiệm kỳ, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hòa Bình đã được bố trí 7 thành viên, trong đó có 1 Trưởng Ban và 2 Phó trưởng Ban hoạt động chuyên trách; Ban có 1 chuyên viên giúp việc. Do vậy, hoạt động của Ban chuyên sâu, chủ động và hiệu quả hơn. Nhất là việc thẩm tra các nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh.

Từng bước đổi mới theo hướng chuyên sâu

Trước mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức thẩm tra các dự thảo nghị quyết của UBND cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực dân tộc, chính sách dân tộc, tôn giáo. Hoạt động thẩm tra của Ban được thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật, từng bước đổi mới theo hướng chuyên sâu vào từng nội dung, từng chuyên đề. Ban tổ chức khảo sát, nắm tình hình và nghiên cứu tài liệu liên quan phục vụ hoạt động thẩm tra. Qua thẩm tra, Ban thống nhất đánh giá cụ thể, nhấn mạnh những mặt tích cực, nổi bật và những tồn tại, bất cập có số liệu minh họa, nhận định nguyên nhân từ đó đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh và các sở, ngành những giải pháp cụ thể giải quyết những tồn tại, bất cập trong thực hiện chính sách dân tộc. Ban cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều nội dung chưa phù hợp trong dự thảo nghị quyết do UBND cùng cấp trình, đây chính là cơ sở để đại biểu HĐND nghiên cứu, thảo luận và quyết định các nội dung tại kỳ họp. Cơ bản các nội dung thẩm tra của Ban đều được UBND cùng cấp tiếp thu, giải trình làm rõ. Điều đó khẳng định chất lượng và hiệu quả thẩm tra của Ban ngày càng được nâng lên.

Sau khi Ban thẩm tra, tờ trình, dự thảo nghị quyết và báo cáo thẩm tra được gửi đến các đại biểu HĐND tỉnh trước 7 ngày khai mạc kỳ họp để đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, tham gia ý kiến và gửi lại cho Thường trực HĐND tỉnh tại ngày khai mạc kỳ họp để Thường trực HĐND tỉnh tổ chức tiếp thu, giải trình đối với ý kiến của đại biểu. Tại kỳ họp HĐND tỉnh, việc điều hành thảo luận, thông qua dự thảo nghị quyết đã phát huy được dân chủ, tập trung trí tuệ trong thảo luận, trình bày quan điểm, ý kiến về những vấn đề cần quyết nghị; đồng thời, huy động trách nhiệm của lãnh đạo các sở, ngành liên quan trong tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp của đại biểu về các dự thảo nghị quyết. Qua đó, các nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua đều bảo đảm chất lượng, được sự đồng thuận, nhất trí cao của các đại biểu.

Các nghị quyết của HĐND tỉnh Hòa Bình đã được UBND tỉnh, các ngành, các cấp chấp hành và triển khai thực hiện nghiêm túc. HĐND tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến đến với người dân, nhất là các nghị quyết liên quan trực tiếp cuộc sống hàng ngày của Nhân dân, thông qua nhiều hình thức như: Qua TXCT, tiếp công dân, đại biểu tuyên truyền, phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện; đăng công báo tỉnh, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của HĐND tỉnh; phát hành kỷ yếu các kỳ họp HĐND tỉnh. Qua đó, các nghị quyết HĐND tỉnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, phát huy được hiệu quả trên thực tế.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hòa Bình giám sát việc phổ biến, giáo dục pháp luật; chính sách trợ giúp pháp lý tại xã Tú Lý, huyện Đà Bắc

Ảnh: Minh Quang 

Tăng cường nắm bắt thông tin

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nghiên cứu, thu thập thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra chưa đầy đủ, Ban chưa dành được nhiều thời gian để tổ chức được các cuộc khảo sát thực tế về nội dung thẩm tra; việc tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, những người am hiểu về nội dung thẩm tra cũng chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, việc gửi các văn bản thẩm tra đến Ban còn chậm; hồ sơ gửi không đầy đủ, thiếu thông tin liên quan đến dự thảo nghị quyết.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế này, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hòa Bình nhận thấy: Chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND phải được đưa vào kế hoạch sớm, phân công cụ thể cho cơ quan chức năng chịu trách nhiệm chuẩn bị và cơ quan phối hợp (nếu có); kiên quyết không đưa vào chương trình kỳ họp những nghị quyết đề xuất bổ sung muộn, thời gian chuẩn bị không bảo đảm vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng các quyết sách của HĐND. Thường trực HĐND sớm phân công nhiệm vụ thẩm tra cho Ban theo lĩnh vực được phân công phụ trách. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Ban phân công thành viên nghiên cứu nội dung thẩm tra, đồng thời cần sắp xếp thời gian phù hợp để tổ chức khảo sát, nắm tình hình thực tế nội dung liên quan đến thẩm tra (nếu cần thiết). 

Trên cơ sở được phân công, Ban xác định rõ nội dung văn bản quy phạm pháp luật để ban hành nghị quyết HĐND tỉnh, cập nhật văn bản luật và các chính sách do trung ương ban hành; tăng cường khảo sát, giám sát thực tế, tiếp xúc cử tri, nắm bắt thông tin phục vụ công tác thẩm tra kết hợp với quá trình giám sát việc thi hành nghị quyết. Qua đó, phát hiện vấn đề mới cần được điều chỉnh bằng nghị quyết. Yêu cầu đặt ra là Báo cáo thẩm tra phải bảo đảm tính phản biện cao; thể hiện rõ ý kiến của Ban về sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật; những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, phương hướng xử lý đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

LÊ HÒA