Thúc đẩy hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ

- Thứ Hai, 15/08/2022, 05:47 - Chia sẻ

Các nhóm vấn đề chất vấn, trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10.8 vừa qua được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong Kết luận sau phiên họp cho thấy quyết tâm chính trị, biến kết quả phiên chất vấn thành áp lực pháp lý cần thiết thúc đẩy hành động của Chính phủ và các “Tư lệnh ngành”, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn. Cử tri và Nhân dân tin tưởng, dõi theo kết quả thực hiện, kỳ vọng những kết quả tích cực trên thực tế.

Phiên chất vấn mang đậm ý chí của Nhân dân

Theo dõi phiên chất vấn, trả lời chất vấn, dư luận đánh giá cao tinh thần: Thực tế - Thiết thực - Tâm huyết - Thẳng thắn - Trách nhiệm cao của các đại biểu và chủ tọa phiên họp. Cử tri ghi nhận hoạt động chất vấn trên nghị trường ngày càng chất lượng, nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội mang đậm ý chí của Nhân dân, thể hiện tâm huyết, sát thực tế, am hiểu vấn đề, đánh giá khoa học của người đại biểu Nhân dân, thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của Nhân dân và cử tri cả nước. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như ý kiến của các thành viên Chính phủ liên quan tại phiên chất vấn thể hiện rõ trách nhiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Nhân dân “ủy thác” với các cam kết, giải pháp phù hợp.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại điểm cầu  đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại điểm cầu đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Tuy vậy, một số câu hỏi còn chung chung, chỉ hỏi về “quan điểm” và “suy nghĩ” của cá nhân Bộ trưởng mà chưa rõ giá trị thúc đẩy hành động (chẳng hạn: Có nên chia đạo đức thành nhiều cấp không? Dựa vào kết quả điều tra nào để đánh giá và chất vấn “đạo đức xã hội xuống cấp”?). Nhận định thực trạng, chất vấn chung chung thì đương nhiên cũng sẽ dẫn đến giải pháp chung chung, khó hiệu quả và khả thi.

Cử tri và Nhân dân rất trân trọng tâm huyết của đại biểu và luôn mong muốn rằng, chất vấn của đại biểu dân cử ở nghị trường không phải là một thủ tục hành chính, càng không phải là “hỏi bài cũ”, cũng không phải là bắt bí hay “chiếu tướng các tư lệnh ngành”. Đó phải được nhìn nhận là quá trình tư duy, lao động đặc thù của “nghị sĩ”, là kết quả của quá trình điều tra, khảo sát, trăn trở với thực tế đời sống người dân, nêu ra các vấn đề bức xúc, vướng mắc để thúc đẩy cùng giải quyết, nhằm thực hiện đạt được mục tiêu chung và theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vì lợi ích của Nhân dân.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước

Các nhóm vấn đề trên 2 lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong Kết luận sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy quyết tâm chính trị, biến kết quả phiên chất vấn thành áp lực pháp lý cần thiết để thúc đẩy hành động của Chính phủ và các “tư lệnh ngành”, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn, sớm chuyển hóa những quyết sách của Đảng và Quốc hội vào thực tiễn đời sống.

Trước hết, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng. Trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện các Nghị quyết quan trọng: Nghị quyết số 12 ngày 16.3.2022 của Bộ Chính trị Khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an Nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; Nghị quyết số 96/QH14 ngày 27.11.2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và các nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm; Nghị quyết 08 ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các chiến lược, chương trình, đề án của Chính phủ về phát triển du lịch; Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình này; Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030.

Thứ hai, về các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ Công an được các đại biểu chất vấn, Nhân dân quan tâm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trên cơ sở kế hoạch, lộ trình được hoạch định để tham mưu và quyết định theo thẩm quyền nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh trật tự; phòng, chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm: Ma túy, "tín dụng đen", an ninh mạng… Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu, độc, tin giả, tin sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước ta. Mặt khác, phải có các giải pháp chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân. Đẩy mạnh thực hiện các nội dung bảo đảm thực hiện đúng tiến độ việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bắt đầu từ ngày 1.1.2023 theo đúng quy định tại Luật Cư trú (sửa đổi)…

Thứ ba, về các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu khẩn trương ban hành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế, chính sách phục hồi, phát triển du lịch theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình này; nghiên cứu đề xuất những chính sách bổ sung. Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở về việc chậm triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43, trong đó, có 300 tỷ đồng cấp cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, đến nay danh mục cũng chưa có để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến…

Cùng với nhiều nội dung cụ thể về lĩnh vực văn hóa, Chủ tịch Vương Đình Huệ lưu ý tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa; vấn đề bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam; quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài; xây dựng nếp sống văn hóa, giáo dục đạo đức lối sống, nhất là cho thế hệ trẻ…

Cử tri và Nhân dân tin tưởng, dõi theo kết quả thực hiện Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Nghị quyết về chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ vọng sẽ tạo những chuyển biến mạnh mẽ trên thực tế.

ThS. Nguyễn Vân Hậu