Rõ trách nhiệm chậm áp dụng công nghệ xử lý rác thải

- Thứ Bảy, 03/06/2023, 06:47 - Chia sẻ

Qua giám sát và kiểm tra thực tế công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn các huyện Phú Xuyên, Thanh Trì, Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội nhấn mạnh thực tế: các huyện vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp chôn lấp rác thải; hiện đại hơn là đốt. Trong khi đó, muốn phân loại, xử lý rác tại nguồn phải nghiên cứu xây nhà máy mới với công nghệ hiện đại. Cần làm rõ trách nhiệm của các sở, ngành về sự chậm trễ từ đấu thầu tới áp dụng công nghệ hiện đại trong xử lý rác thải tại các địa phương.

Xóa nhiều điểm "nghẽn" về rác thải

Tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Môi trường Thăng Long Nguyễn Phúc Thành cho biết: giai đoạn 2021 - 2023, doanh nghiệp đã trúng 4 gói thầu duy trì vệ sinh môi trường tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì. Trên cơ sở kết quả đấu thầu, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện công tác duy trì vệ sinh môi trường, thu gom rác thải bảo đảm các quy trình, định mức do UBND thành phố ban hành. "Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về bù giá chênh lệch tiền lương, nhiên liệu... Đồng thời, việc chậm thanh toán dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp không bảo đảm nguồn tài chính để hoạt động, nợ đọng bảo hiểm, thuế, lương người lao động...", ông Nguyễn Phúc Thành cho biết.

Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Đàm Văn Huân phát biểu tại buổi giám sát (ảnh: P.Long)
Trưởng ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội Đàm Văn Huân phát biểu tại cuộc giám sát. Ảnh: P.Long

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, công tác vận chuyển rác từ địa bàn huyện đến khu xử lý rác của thành phố phụ thuộc nhiều vào điều kiện nơi tiếp nhận rác. Năm 2021, trên địa bàn xảy ra 3 đợt (23 ngày) với 2.140 tấn; năm 2022 xảy ra dài hơn (36 ngày) với lượng rác tồn khoảng 4.500 tấn ở trạm trung chuyển Phú Minh và điểm dự phòng của các xã. Tuy nhiên, đến thời điểm này, huyện Phú Xuyên không còn là điểm "nghẽn" về rác thải. "Hàng năm, UBND huyện đều thành lập đoàn kiểm tra. Từ năm 2021 đến nay, đã kiểm tra, xử lý 11 trường hợp vi phạm về môi trường (hành vi đốt rác thải) thuộc các xã Châu Can, Phú Yên, Sơn Hà với số tiền 21 triệu đồng. Tuy nhiên, UBND huyện đề xuất xem xét, bổ sung nguồn kinh phí để cân đối với nguồn thu giá dịch vụ môi trường đáp ứng trên địa bàn", ông Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết.

Còn tại huyện Thanh Trì, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Huy Toàn, với vị trí là huyện ven đô, được quy hoạch thành nội đô mở rộng và đang trong quá trình phát triển thành quận, trên địa bàn không có khu vực nào làm nơi chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt. Hiện, toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt đều được các đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển đến Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn để xử lý theo quy định.

Phó Chủ tịch huyện Thanh Trì đánh giá, từ năm 2021 đến nay, trong quá trình duy trì vệ sinh môi trường, liên danh nhà thầu cơ bản thực hiện nghiêm túc, bảo đảm  chất lượng theo yêu cầu của chủ đầu tư. Mặc dù dân số cơ học của huyện ngày càng tăng, khối lượng rác thải cũng tăng dần qua các năm, song các đơn vị thu gom đã chủ động bố trí thêm phương tiện chuyên dùng để vận chuyển hết 100% khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh, không để tồn đọng trong ngày, chất lượng vệ sinh luôn được bảo đảm.

Sớm triển khai thêm các trạm trung chuyển rác

Qua kiểm tra thực tế tại 2 địa phương, thành viên Đoàn giám sát chỉ rõ một số bất cập về quy hoạch, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Trong đó, định mức đưa ra không khả thi khi khối lượng phát sinh lớn; vẫn chưa có chế tài quy định đấu thầu để loại bỏ những nhà thầu không có năng lực... Đáng chú ý, theo Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Đoàn Việt Cường, các huyện vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp chôn lấp rác thải; hiện đại hơn là đốt. Trong khi đó, muốn phân loại, xử lý rác tại nguồn thì phải nghiên cứu xây nhà máy mới với công nghệ hiện đại đòi hỏi lộ trình dài hơi. Nhiều thành viên Đoàn giám sát cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của các sở, ngành về sự chậm trễ từ công tác đấu thầu tới áp dụng công nghệ hiện đại trong xử lý rác thải tại các địa phương.

Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Đàm Văn Huân lưu ý: huyện Thanh Trì cần nghiêm túc trong xử lý vi phạm hành chính, tiến tới phân loại rác tại nguồn. Mặc dù sắp lên quận nhưng trên địa bàn huyện có nhiều khu đô thị xả thẳng nước thải xuống sông; tình trạng rác thải vẫn xuất hiện tại nhiều tuyến sông hồ, nhất là tại tuyến Đại lộ Chu Văn An gây mất mỹ quan đô thị. "Vì vậy, huyện cần khẩn trương khảo sát, đầu tư các điểm tập kết rác thải có vị trí phù hợp, thu gom rác, nước rác, che chắn để không rơi xuống sông, ngoài đường", Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố yêu cầu. 

Trưởng Đoàn giám sát cũng đề nghị, huyện làm việc với nhà thầu trên địa bàn để triển khai thêm các trạm trung chuyển rác thải càng sớm càng tốt. Trước yêu cầu này, liên danh nhà thầu cho biết: thời gian tới, sẽ tiến hành xóa các điểm tập kết rác gần với bờ sông, bảo đảm mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, riêng đối với hành vi đổ trộm phế thải xây dựng tại tuyến Đại lộ Chu Văn An, các đơn vị mong muốn UBND thành phố có cơ chế, chế tài mạnh để xử lý.

Đối với huyện Phú Xuyên, qua kiến nghị của UBND huyện và đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn, Đoàn giám sát cho biết: sẽ chuyển tới UBND thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết tháo gỡ bất cập, tồn tại trong vấn đề về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn. Đồng thời, đề nghị huyện tiếp tục tăng cường giám sát, đặc biệt liên quan đến vệ sinh môi trường. 

Phi Long