Lấy hiệu quả, chất lượng làm đầu

- Chủ Nhật, 04/06/2023, 06:14 - Chia sẻ

Phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: với 8 kỳ họp, trong đó có 4 kỳ họp bất thường, Quốc hội đã thảo luận, xem xét thông qua 16 dự án luật, 84 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 4 pháp lệnh, 29 nghị quyết. Chính phủ và chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ, chính quyền điện tử; quyết liệt chỉ đạo, thực hiện thành công chương trình phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Gần nửa chặng đường hoạt động có thể khẳng định, Quốc hội và HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới, lấy hiệu quả, chất lượng làm đầu.

Minh chứng hùng hồn cho tinh thần hành động, vì dân

Nhiệm kỳ Khóa XV đánh dấu nhiều đổi mới của Quốc hội, nhất là việc tổ chức các kỳ họp bất thường quyết định các nhiệm vụ cấp bách thực tiễn đặt ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành. Thông qua các kỳ họp bất thường, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết có tính quyết định thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra cho từng giai đoạn, trong đó quyết định thắng lợi “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Ngay tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XV, trước diễn biến của dịch Covid-19, Quốc hội đã tổ chức ngay kỳ họp bất thường, ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 - sáng kiến pháp luật tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa XIV -ẢNH ĐỖ PHƯƠNG
Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa XIV Ảnh: Đỗ Phương

Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng được ví như một “Thượng phương bảo kiếm” mà Quốc hội đã trao cho Chính phủ chủ động, linh hoạt, kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó và thích ứng an toàn với Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc Quốc hội ban hành các Nghị quyết trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 là những minh chứng hùng hồn nhất về một Quốc hội năng động, hành động, trách nhiệm, vì người dân, vì đất nước. Quốc hội lấy hiệu quả, chất lượng hoạt động làm đầu, vì dân hành động.

Những quyết sách kịp thời đã tạo tiền đề để cùng cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Đúng như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định: Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Như kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII đã đúc kết: tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5%, và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng trưởng GDP trong quý I.2023 tuy chỉ đạt 3,2% so với cùng kỳ, nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, thì cả năm Việt Nam vẫn có thể đạt từ 6 - 6,5%...

Đặc biệt, kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm; thị trường tài chính - tiền tệ vẫn cơ bản ổn định. Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là việc xử lý tình trạng các ngân hàng thương mại yếu kém; những doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả được tập trung tháo gỡ, bước đầu đạt được kết quả tích cực.  Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, phòng, chống tham nhũng tiêu cực được chỉ đạo quyết liệt.

Biểu hiện sinh động tại các địa phương

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh xác định xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra, cùng với cả hệ thống chính trị, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã có những đổi mới tích cực trong hoạt động, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân.

Cùng với đổi mới hoạt động giám sát, tăng cường liên hệ chặt chẽ với cử tri, điểm nhấn quan trọng phải kể đến là HĐND tỉnh Quảng Ninh đã nâng cao chất lượng các kỳ họp, kịp thời quyết định nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách. Riêng năm 2022, HĐND tỉnh đã ban hành 76 nghị quyết, trong đó có 55 nghị quyết về các cơ chế, biện pháp, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật, cụ thể hóa các đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thông qua Đề án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 với mục tiêu xây dựng NTM “Hiệu quả, toàn diện, bền vững”; thông qua Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025...

Các quyết sách này là minh chứng rõ nét nhất cho quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh: xây dựng Quảng Ninh thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía bắc. Năm 2022, Quảng Ninh đạt được mức tăng trưởng 10,28%, là năm thứ 7 liên tiếp (2016 - 2022) đạt mức tăng trưởng 2 con số, lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng cao so với chỉ tiêu Trung ương giao, là địa phương nằm trong nhóm đầu cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, tăng 7,7% so với năm 2021; diện mạo, cảnh quan ở các địa phương trong tỉnh thay đổi từng ngày; đời sống người dân không ngừng được cải thiện.

Là địa phương ở phía nam, Hậu Giang là một trong những tỉnh đứng tốp đầu trong phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023 (tăng 12,67%). Trong thành tích chung đó, các quyết sách kịp thời, sát trúng của HĐND đóng vai trò then chốt. HĐND tỉnh cũng chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đó cũng chính là “chìa khóa” để HĐND thực sự hành động vì dân, hiệu quả. Đó chính là đổi mới chất lượng kỳ họp, bảo đảm các quyết sách HĐND ban hành thực chất, từ thực tiễn, từ tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Quan tâm bảo đảm các kiến nghị sau giám sát được tôn trọng và thực thi nghiêm túc; đổi mới hoạt động TXCT, liên hệ chặt chẽ với cử tri; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động. Cuối cùng là đồng hành với UBND, các ngành tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, “điểm nghẽn” trong quá trình thực thi nghị quyết HĐND.

Hồng Lam