Phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Hướng tới nền tư pháp phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân

- Thứ Năm, 23/03/2023, 06:28 - Chia sẻ

LÊ HỒNG HẠNH - PHÓ TRƯỞNG BAN KINH TẾ - XÃ HỘI HĐND THỊ XÃ HỒNG LĨNH, HÀ TĨNH

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thành công trong việc ứng dụng CNTT, thời gian ngắn nhưng làm rõ được nhiều vấn đề quan trọng. Qua đó, cử tri và Nhân dân thấy rõ nét vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh, góp phần tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước như Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định khi phát biểu bế mạc phiên họp. Cử tri nhìn thấu quyết tâm cao của Quốc hội cũng như ngành chức năng trong nỗ lực hướng tới xây dựng nền tư pháp ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Kinh nghiệm quý để HĐND giám sát cơ quan tư pháp

Hàng loạt vấn đề được các đại biểu đưa ra chất vấn, tranh luận tại phiên họp thứ 21 là bức tranh rõ nét nhất về những vấn đề còn nhiều điểm “nghẽn” trong thực tế, quy định liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án Nhân dân và thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. “Sẽ xảy ra tình trạng “nhờn” luật nếu như điểm “nghẽn” về vụ án hành chính chưa được tháo gỡ và người dân sẽ vẫn còn đó những bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Các vụ việc liên quan án hành chính thường có sự chênh lệch giữa hai chủ thể với một bên là cơ quan nhà nước (thường đại diện là lãnh đạo UBND) với một bên là công dân, tổ chức tư nhân. Một bên là cơ quan am hiểu pháp luật và thực hiện pháp luật nhưng có tình trạng những chủ thể đại diện (thường là Chủ tịch UBND) vắng mặt tại các phiên tòa, cung cấp tài liệu chậm trễ, khi có kết quả xét xử thì việc thi hành cũng chậm và có nhiều vấn đề, làm mất uy tín của cơ quan nhà nước trong một số vụ việc.

“Nghiêm minh, rõ ràng và quy rõ trách nhiệm trong xử lý các sai phạm liên quan đến chủ thể của các vụ án hành chính. Nhất thiết phải có chế tài xử lý nghiêm minh, nhất là hành động không tham dự phiên tòa, không hoặc chậm trong thi hành án. Chúng ta đang hướng tới xây dựng một nhà nước pháp quyền, mọi chủ thể phải bình đẳng trước pháp luật. Tôi cho rằng, những giải pháp Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đưa ra cũng như kết luận của Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định rất rõ tinh thần ấy” - Cử tri Ngô Đức Thái, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An chia sẻ.

“Qua theo dõi 2 "tư lệnh" ngành đăng đàn trả lời chất vấn cũng như phần chất vấn, tranh luận của các vị ĐBQH, tôi nhận thức rõ ràng hơn về các cơ quan trong khối tư pháp, cũng nắm rõ hơn cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp là Tòa án Nhân dân. Đây chính là những kiến thức, kỹ năng quý giá có thể nghiên cứu sách vở, quy định cũng rất khó nắm bắt. Phiên họp đã giúp tôi nắm rõ hơn hoạt động của Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân. Từ đó, giúp tôi và các đại biểu HĐND cấp huyện có thêm kiến thức, kỹ năng vận dụng trong việc giám sát hoạt động của Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân cùng cấp” - bà Nguyễn Thị Thủy, đại biểu HĐND huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh khẳng định.  

Điều hành của chủ tọa, tinh thần, trách nhiệm của các ĐBQH trong chất vấn, tranh luận làm rõ vấn đề của Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân cũng như việc trả lời đi thẳng vấn đề, rõ trách nhiệm của 2 "tư lệnh" ngành chính là ví dụ thực tiễn sinh động để HĐND các cấp vận dụng trong tổ chức các phiên giải trình, chất vấn tại các phiên họp thường kỳ hàng tháng của Thường trực HĐND - Phó Chủ tịch HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh Nguyễn Quang Vinh cho biết.

Vì một nền tư pháp phục vụ Nhân dân

“Lần đầu tiên tôi thấy một phiên họp chỉ chất vấn hai "tư lệnh" ngành của cơ quan khối tư pháp mà có nhiều vấn đề được đưa ra mổ xẻ, bàn bạc và thống nhất được các giải pháp có chiều sâu đến như vậy. Thế nhưng, để hiện thực hóa các giải pháp đó, đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn lao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Tôi cho rằng, một giải pháp phiên họp đã thống nhất nhận định rất hay và cần triển khai ngay đó là việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của các cơ quan khối tư pháp, trong đó đi đầu là Tòa án Nhân dân” - cử tri Nguyễn Việt Dũng, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng bày tỏ. 

Hiện nay, đúng như cam kết của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về giải pháp chính là xây dựng tòa án điện tử để triển khai các hoạt động tố tụng trực tuyến, bao gồm: nộp đơn khởi kiện, cung cấp chứng cứ, khai báo trực tuyến; nộp án phí, lệ phí, tiền phạt vi phạm trực tuyến; tổ chức trực tuyến các phiên hòa giải trong vụ án dân sự và đối thoại trong vụ án hành chính; xét xử trực tuyến sơ thẩm và phúc thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hành chính; tổ chức trực tuyến các phiên họp để giải quyết các việc dân sự; tống đạt, thông báo trực tuyến các văn bản tố tụng... Đây cũng là giải pháp góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của tòa án. Ngoài ra, việc chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tòa án và viện kiểm sát có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, liêm chính để thực sự chuyên nghiệp, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Đề xuất chính sách cụ thể để thu hút các chuyên gia về công tác tại tòa án, viện kiểm sát là những giải pháp thiết thực, cụ thể và có vai trò quan trọng trong nỗ lực cải cách tư pháp, bởi suy cho cùng chìa khóa của mọi vấn đề chính là nguồn nhân lực.

Khi đội ngũ cán bộ tòa án và viện kiểm sát vừa hồng vừa chuyên, đủ tâm, tài gánh vác trọng trách thì khi đó kỳ vọng, mục tiêu xây dựng nền tư pháp ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân sẽ thành hiện thực. Điều này cũng phụ thuộc rất lớn vào hệ thống các quy định, chính sách, hành lang pháp lý mở đường cho các giải pháp khác, trong đó có giải pháp về nguồn nhân lực của tòa án và viện kiểm sát được thực thi.