Cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện cam kết, lời hứa

- Thứ Ba, 06/06/2023, 06:23 - Chia sẻ

Nhận thức tầm quan trọng của hoạt động chất vấn tại kỳ họp, cùng với học hỏi, áp dụng kinh nghiệm chất vấn theo nhóm vấn đề; hỏi 1 đáp 3… của Quốc hội, Thường trực HĐND nhiều địa phương cũng đã có những cách làm thiết thực. Đặc biệt, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, việc ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn được chú trọng hơn, tạo cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện những cam kết, lời hứa, giải pháp đã được đưa ra.

Cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện cam kết, lời hứa -0
Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV. Ảnh: Đỗ Phương

Chất vấn tại kỳ họp là diễn đàn dân chủ, thể hiện vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu HĐND cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với những vấn đề cử tri, dư luận quan tâm. Phiên chất vấn thu hút được sự quan tâm của đông đảo của cử tri và nhân dân, đóng góp quan trọng vào thành công của kỳ họp.

Đổi mới thiết thực

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động giám sát đặc biệt này, cùng với học hỏi, áp dụng kinh nghiệm chất vấn theo nhóm vấn đề; hỏi 1 đáp 3… của Quốc hội, Thường trực HĐND nhiều địa phương đã có những đổi mới thiết thực như: khuyến khích các ban, tổ đại biểu chất vấn chuyên đề dựa trên các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của các đoàn giám sát HĐND, thường trực, các ban, tổ đại biểu HĐND tỉnh trình bày tại kỳ họp. Cách thức này vừa giúp đại biểu HĐND có đầy đủ thông tin để chất vấn; vừa tránh lãng phí trí tuệ và tâm huyết của các thành viên đoàn giám sát, đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát.

Ở một số địa phương, sau khi chọn nhóm vấn đề chất vấn, thường trực HĐND gửi văn bản đến từng tổ và đại biểu HĐND, định hướng, gợi ý một số vấn đề liên quan để thu thập thêm thông tin, số liệu thực tế đặt câu hỏi đề nghị tổ trưởng quan tâm, có thể thảo luận, thống nhất trong tập thể chọn nội dung và phân công thành viên chất vấn. Cách làm này vừa thể hiện tính thống nhất trong tập thể tổ, vừa tạo ra những “nhân tố mới”, có tính luân phiên tham gia chất vấn.

Bên cạnh đó, để tăng tính tích cực, chủ động của đại biểu, thường trực HĐND một số địa phương còn quy định việc tham gia chất vấn, truy vấn tại các kỳ họp là nội dung quan trọng, có trong thang điểm đánh giá xếp loại thi đua khen thưởng hàng năm về hoạt động HĐND.

Đúng trọng tâm, truy vấn đến cùng

Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo, phát huy vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh của người hỏi và người trả lời, việc phát huy vai trò “nhạc trưởng” của chủ tọa kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở nắm chắc vấn đề, chủ tọa linh hoạt, chủ động, tạo được không khí đối thoại thẳng thắn trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm; hướng việc hỏi và trả lời đi vào đúng trọng tâm và truy vấn đến cùng để làm rõ nguyên nhân, tìm được giải pháp khắc phục thiếu sót, hạn chế. Đặc biệt, khi nghị trường quá “nóng”, hoặc chất vấn đi sai mục đích, chủ tọa kịp thời “hạ nhiệt” hoặc yêu cầu dừng lại, tránh gây ấn tượng không tốt với cử tri và người dân.

Kết thúc từng phần chất vấn và trả lời chất vấn, kết luận của chủ tọa nhấn mạnh những nội dung được và chưa được, đặc biệt yêu cầu rõ trách nhiệm ngành chức năng đối với những bất cập đại biểu đặt ra liên quan đến công tác quản lý, điều hành.

Rõ thời gian, biện pháp, trách nhiệm báo cáo

Trên thực tế, việc công khai thông tin thông qua các kênh truyền thông chính thống và dư luận sẽ tạo áp lực thúc đẩy người bị chất vấn thực hiện cam kết trước đại biểu và cử tri. Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tạo ra cơ sở pháp lý buộc người trả lời phải thực hiện nghiêm túc các cam kết, lời hứa của mình dưới sự giám sát của đại biểu HĐND và cử tri. Nội dung này đã được HĐND nhiều địa phương, nhất là cấp tỉnh chú trọng, nhiều nơi việc han hành Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn trở thành hoạt động thường kỳ. Đặc biệt, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, nhiều địa phương lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Nội dung này đòi hỏi kiến thức và bản lĩnh của chủ tọa trong đưa ra các kết luận sau mỗi lượt chất vấn, quyết định các nội dung được đưa vào nghị quyết về chất vấn theo quy định. Tuy nhiên, thời gian diễn ra kỳ họp từ nội dung chất vấn đến việc thông qua nghị quyết khá ngắn. Vì vậy, công tác tham mưu, chuẩn bị cần tập trung cao, gần như đồng thời với quá trình diễn ra chất vấn. Yêu cầu đặt ra là nghị quyết đó cần cụ thể nội dung, xác định rõ đối tượng, thời gian thực hiện, biện pháp khắc phục và trách nhiệm báo cáo kết quả tại kỳ họp HĐND tỉnh.    

Sau khi được ban hành, nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn cần được đôn đốc thực hiện và giám sát đặc biệt. Tại các kỳ họp thường lệ tiếp theo, thường trực HĐND đề nghị UBND và các đơn vị đã được chất vấn tại kỳ họp trước báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn của HĐND thành phố; đồng thời, rà soát, đối chiếu kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị với nội dung của nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn để yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giải trình thêm để đại biểu HĐND thành phố giám sát hoặc tiếp tục tái chất vấn đến khi có kết quả.

ĐẶNG HỮU