Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu tổ chức phiên giải trình thực trạng chất lượng giảm nghèo trên địa bàn

Chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cộng đồng

- Chủ Nhật, 07/08/2022, 05:27 - Chia sẻ

Cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu cần nghiên cứu, đổi mới cách thức hỗ trợ theo hướng giảm tối đa hỗ trợ trực tiếp, nhỏ lẻ, hỗ trợ đời sống sang hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cộng đồng; nâng cao năng lực quản lý, điều hành giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, hạn chế thấp nhất tình trạng dư vốn, trả kinh phí do không chi được trong khi nhu cầu của tỉnh rất lớn; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn, đáp ứng nhu cầu thực sự của người học và từng ngành nghề phù hợp.

Chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cộng đồng -0
Phiên giải trình về thực trạng chất lượng giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2021, giải pháp 2022 - 2025

Đó là những yêu cầu được nhấn mạnh tại phiên giải trình tháng 8.2022 mới đây của Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về thực trạng chất lượng giảm nghèo trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2021, giải pháp cho giai đoạn 2022 - 2025.

Đẩy mạnh đối thoại giảm nghèo tại cơ sở

Giải trình đề nghị làm rõ nguyên nhân tỷ lệ tái nghèo cao; chênh lệch lớn về tỷ lệ hộ nghèo giữa các địa phương và giải pháp thời gian tới, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đèo Văn Thương cho biết: Trung bình mỗi năm, tỷ lệ tái nghèo của tỉnh chiếm 0,82%. Đến cuối năm 2021, một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao: Tá Bạ 49,12%; xã Pa Vệ Sủ 50,48%; xã Pa Ủ 52,4%; xã Bum Tở 57,61% của huyện Mường Tè. Đây là những xã tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, ít người, nhận thức, tập tục lạc hậu và lao động sản xuất thấp. Đồng thời cho biết, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện đẩy mạnh tuyên truyền và tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số ít người nhằm nâng cao trình độ nhận thức để tích cực lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đại biểu cho rằng: Việc khảo sát, rà soát nhu cầu đào tạo của người lao động để xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề còn hình thức, việc đào tạo nghề có lúc, có nơi còn chạy theo số lượng kế hoạch, chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng. Nhiều giáo viên thỉnh giảng có trình độ chuyên môn và tay nghề chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Cần đào tạo sát với nhu cầu thực tế của từng địa phương, quan tâm đến các xã vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề kết dư, hoàn trả ngân sách trung ương kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020: 24.529 triệu đồng. Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã nghiêm túc tiếp thu, giải trình cụ thể các nội dung đại biểu quan tâm, có ý kiến.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tống Thanh Hải đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nghiêm túc tiếp thu, lên kế hoạch khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo Thường trực, các đại biểu HĐND tỉnh đã chỉ ra. Trước hết, phải làm tốt công tác rà soát đối tượng, xác định nhu cầu đào tạo nghề để có định hướng đào tạo phù hợp.

Đối với vấn đề giảm nghèo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Muốn thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cần xác định rõ nguyên nhân chính gây nghèo, từ đó có giải pháp phù hợp. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung, mục tiêu giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh đối thoại giảm nghèo tại cơ sở, tuyên truyền về các tấm gương, điển hình tiên tiến trong thực hiện giảm nghèo bền vững, những mô hình giảm nghèo hiệu quả, từ đó nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của người nghèo, cận nghèo.

Hạn chế thấp nhất tình trạng dư vốn, trả kinh phí

Ghi nhận Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã nghiêm túc giải trình các nội dung theo yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh, các đại biểu dự họp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Chu Lê Chinh đánh giá: Giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Lai Châu đã đạt được kết quả giảm nghèo khá tích cực, số hộ nghèo toàn tỉnh còn trên 16% hộ nghèo. Tuy nhiên, chất lượng giảm nghèo còn thiếu bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, chênh lệch hộ nghèo giữa các huyện, các vùng trong tỉnh rất lớn. Chất lượng, hiệu quả, tính thiết thực của chính sách đào tạo nghề lao động nông thôn giai đoạn vừa qua còn thấp.

Vì vậy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Chu Lê Chinh đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, đổi mới cách thức hỗ trợ theo hướng giảm tối đa hỗ trợ trực tiếp, nhỏ lẻ, hỗ trợ đời sống sang hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cộng đồng; nâng cao chất lượng bình xét hộ nghèo thực chất, khách quan minh bạch; nâng cao năng lực quản lý, điều hành giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, hạn chế thấp nhất tình trạng dư vốn, trả kinh phí do không chi được trong khi nhu cầu của tỉnh rất lớn; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực sự của người học và từng ngành nghề phù hợp với thực tiễn từng địa bàn.

LÊ HOÀNG