Nghị quyết Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND

Bảo đảm khách quan, công khai, hiệu quả

- Thứ Hai, 26/09/2022, 05:51 - Chia sẻ

NGUYỄN NGỌC THÁI - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Nam

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị quyết số 594/2022/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là quy định phải công khai kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để phục vụ hoạt động giám sát của HĐND. Mục đích nhằm bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động giám sát.

Công khai, tăng cường giám sát của cử tri và Nhân dân

Giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND (gọi chung là giám sát của HĐND) là thực hiện sự ủy quyền của Nhân dân để giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, là hình thức thể hiện quyền giám sát của Nhân dân thông qua cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Bảo đảm khách quan, công khai, hiệu quả -0
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam làm việc với UBND huyện Đại Lộc

Theo quy định của pháp luật, phạm vi, đối tượng giám sát của HĐND rất đa dạng, hình thức giám sát cũng phong phú. Nhưng cho dù thực hiện hình thức giám sát nào, đối với đối tượng nào, hoạt động giám sát cũng là quá trình chủ động từ phía HĐND nhằm đạt được mục đích đề ra, bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm minh. Nhìn chung, hoạt động giám sát thường bao gồm ba giai đoạn: Xây dựng, chương trình, kế hoạch giám sát; triển khai thực hiện kế hoạch và kết luận, kiến nghị, đề xuất sau giám sát. Trong đó, kết luận giám sát và kiến nghị được xem là phần quan trọng nhất, phải hết sức khách quan, có căn cứ khoa học và thực tiễn, sát đúng tình hình. Nếu chỉ dừng ở việc chỉ ra tồn tại, hạn chế và nguyên nhân mà không kiến nghị được biện pháp hữu ích để điều chỉnh hoặc giải quyết vấn đề thì vẫn chưa thể hiện hết trách nhiệm của người giám sát.

Quy định phải công khai kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát theo Nghị quyết 594 trước hết bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, tăng cường sự giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của chính quyền địa phương và qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung, hoạt động giám sát nói riêng (Điều 3 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND). Quy định này còn xuất phát từ thực tế đã có không ít những ý kiến, kiến nghị rất xác đáng của đoàn giám sát không được các cơ quan tiếp thu nghiêm túc, do vậy không triển khai thực hiện đầy đủ. Điều này làm giảm hiệu lực giám sát của HĐND, giảm hiệu quả của hoạt động giám sát và sâu xa hơn còn gây mất lòng tin của cử tri, của Nhân dân vào cơ quan dân cử. Vì vậy, HĐND với vai trò, vị trí và quyền hạn của mình phải kiên trì theo đuổi vấn đề giám sát, tích cực đôn đốc để bảo đảm những kiến nghị, giải pháp đưa ra được thực thi trong thực tế.

Khi kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát được công khai, cử tri và Nhân dân nắm bắt được các vấn đề đã kiến nghị, đề xuất để giám sát mức độ triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm. Điều này còn liên quan đến giai đoạn đầu của hoạt động giám sát là chọn vấn đề và đối tượng giám sát, cần chọn vấn đề nổi cộm, bức xúc nhất để ưu tiên và phải chọn đối tượng giám sát phù hợp. Thường đối tượng được chọn chính là chủ thể tạo ra những hạn chế, bất cập mà HĐND cần giám sát. Như vậy, có thể nói việc chọn vấn đề giám sát xuất phát từ thực tiễn, theo nguyện vọng của cử tri và Nhân dân thì sau giám sát họ cần phải biết kết quả có đáp ứng với mong đợi của mình hay không.

Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến mục tiêu chính quyền số

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định phát triển công nghệ thông tin là một trong những giải pháp hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng đến mục tiêu chính quyền số. Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ra đời đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong thời kỳ hội nhập quốc tế của các cấp, các ngành. Các hệ thống phần mềm dùng chung được triển khai đã góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin, giảm thiểu thời gian, tiết kiệm giấy tờ, tăng cường sự giám sát của công dân đối với tổ chức, tăng cường sự giám sát của cấp trên với cấp dưới, từ đó nâng cao hiệu quả xử lý, giải quyết công việc. Trong xu thế chung đó, HĐND cũng cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của mình.

Nghị quyết 594 đã nêu rõ: Thường trực HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để phục vụ hoạt động giám sát của HĐND; bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa HĐND các cấp và các cơ quan có liên quan. Để thực hiện hiệu quả nội dung này, Thường trực HĐND cấp tỉnh phải chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan liên quan nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các phần mềm dùng chung, cơ sở dữ liệu, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ.

Sớm xây dựng, triển khai ứng dụng phục vụ hoạt động của HĐND nói chung, hoạt động giám sát nói riêng; xây dựng các cơ sở dữ liệu đồng bộ từ cấp tỉnh đến địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu của hoạt động giám sát; có văn bản hướng dẫn quy định việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Thường trực HĐND các cấp, với các cơ quan liên quan ở tỉnh và kết nối với dữ liệu giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Trong xây dựng ứng dụng phục vụ hoạt động của HĐND, cũng cần quan tâm thiết lập các ứng dụng đơn giản, thân thiện với cử tri để tăng cường sự kết nối giữa cơ quan dân cử với Nhân dân nhằm thu thập ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng từ phía người dân.

Cùng với đó, cần tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin đã được đầu tư, đặc biệt là bộ phận Văn phòng phục vụ hoạt động của HĐND các cấp. Đồng thời, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho đại biểu HĐND. Hàng năm, cân đối thêm nguồn lực cho chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan ở Trung ương cần hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp HĐND, việc tiếp công dân theo hình thức trực tuyến…