Chủ động nắm bắt thông tin phục vụ thẩm tra

- Thứ Tư, 25/05/2022, 05:35 - Chia sẻ

NGÔ QUYỀN, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lào Cai

Hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND đòi hỏi đại biểu phải có kinh nghiệm, kiến thức, trình độ chuyên môn, nắm bắt và hiểu sâu sắc vấn đề thẩm tra. Tuy nhiên, các nghị quyết của HĐND ban hành bao hàm tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Trong điều kiện hiện nay, luật chưa quy định cơ chế đại biểu HĐND được thuê chuyên gia, việc tự bản thân đại biểu chủ động tìm hiểu nắm bắt thông tin nhiều chiều, nhiều góc độ rất quan trọng. Chọn lọc các thông tin liên quan, phân loại, đánh giá, so sánh đối chiếu để đưa ra những nhận định đúng và trúng để HĐND có căn cứ khi thảo luận, thông qua nghị quyết.

Chủ động chuẩn bị thẩm tra

Công tác chuẩn bị cho hoạt động thẩm tra hết sức quan trọng. Qua các phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND tỉnh chuẩn bị cho kỳ họp thường lệ, các Ban HĐND nắm được dự kiến nội dung trọng tâm kỳ họp. Từ đó, Ban chủ động xây dựng các kế hoạch giám sát, khảo sát thực tế, hội thảo theo các trọng tâm đó... phục vụ thẩm tra các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết theo lĩnh vực phụ trách mà không chờ có các văn bản của UBND tỉnh mới thẩm tra. Đồng thời, ban chủ động phân công thành viên nghiên cứu tài liệu; bố trí thời gian làm việc với các ngành; tham dự các buổi thảo luận tham gia ý kiến vào báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh tổ chức có sự tham gia của cơ quan chủ trì soạn thảo và các ngành liên quan.

Chủ động nắm bắt thông tin phục vụ thẩm tra -0
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lào Cai khảo sát tiến độ thực hiện di chuyển dân cư do ảnh hưởng môi trường tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng. Ảnh: Trần Kiên

Việc tổ chức tốt các cuộc khảo sát, giám sát trước kỳ họp phục vụ công tác thẩm tra rất quan trọng, là căn cứ thực tế để thẩm tra nội dung của các văn bản sẽ trình kỳ họp. Bên cạnh đó, Ban phải theo dõi và báo cáo kịp thời với Thường trực HĐND để yêu cầu cơ quan soạn thảo gửi đủ hồ sơ thẩm tra theo yêu cầu, đúng thời gian theo quy định để bảo đảm tiến độ và chất lượng thẩm tra.

So sánh, đối chiếu nhiều chiều, nhiều góc độ

Hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND đòi hỏi đại biểu phải có kinh nghiệm, kiến thức, trình độ chuyên môn, nắm bắt và hiểu sâu sắc vấn đề thẩm tra. Tuy nhiên, các nghị quyết của HĐND ban hành bao hàm tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Trong điều kiện hiện nay, luật chưa quy định cơ chế đại biểu HĐND được thuê chuyên gia, việc tự bản thân đại biểu chủ động tìm hiểu nắm bắt thông tin rất quan trọng. Thông tin phục vụ công tác thẩm tra là thông tin nhiều chiều, nhiều góc độ, được thu thập từ các báo cáo của UBND, các ngành, các cấp, báo cáo đề án; thu thập từ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; từ các cuộc khảo sát, giám sát, TXCT... liên quan đến nội dung thẩm tra. Chọn lọc các thông tin liên quan, phân loại, đánh giá, so sánh đối chiếu với các nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết phải thẩm tra để đưa ra những nhận định đúng và trúng, tham mưu cho HĐND có những quyết định chính xác, kịp thời để HĐND có căn cứ và tin tưởng khi thông qua nghị quyết tại kỳ họp.

Khi thẩm tra, các đại biểu thành viên Ban cần luôn so sánh, đối chiếu nội dung của tờ trình, dự thảo nghị quyết ở nhiều chiều, nhiều góc độ: So sánh với chủ trương của của Tỉnh ủy về vấn đề thẩm tra, kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, các nội dung từ các chính sách văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương... đối chiếu với những thông tin thu thập từ thực tế giám sát khảo sát, ý kiến cử tri để chỉ ra sự phù hợp của nội dung báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và với hệ thống pháp luật. Xem xét, đánh giá tính đầy đủ các căn cứ được nêu trong các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết để đại biểu HĐND tỉnh thảo luận, đơn vị soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa. Cần tham khảo ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của tờ trình, dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật.

Bảo đảm cơ sở khoa học, thực tiễn, thuyết phục cao

Thẩm tra nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết là phần quan trọng nhất trong hoạt động thẩm tra và cũng phức tạp nhất. Nghiên cứu các báo cáo và nội dung báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, báo cáo của cơ quan soạn thảo, ý kiến các ngành, địa phương so sánh với những thông tin thu thập được trên thực tế qua giám sát, khảo sát, ý kiến cử tri... Ban thẩm tra đưa ra những nhận định đánh giá, thể hiện rõ quan điểm; đồng thời, đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, phương án xử lý đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Mỗi báo cáo thẩm tra có mục đích, yêu cầu, nội dung khác nhau nhưng đều là những bản kiểm định chất lượng của các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết của UBND trình tại kỳ họp. Đối với những vấn đề còn khác nhau giữa Ban thẩm tra và cơ quan soạn thảo, cần trình bày lý lẽ và dẫn chứng thuyết phục để đưa ra quan điểm của ban; nêu rõ ý kiến đánh giá của ban về những vấn đề được nhất trí hoặc không nhất trí, còn có ý kiến khác nhau và những kiến nghị sửa đổi, bổ sung...

Chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh có ý nghĩa quyết định đến chất lượng của nghị quyết HĐND tỉnh tại các kỳ họp. Vì vậy, báo cáo thẩm tra của các Ban phải có sự đầu tư, thực hiện đầy đủ, chặt chẽ quy trình thẩm tra theo đúng quy định để có cơ sở lý luận, khoa học, thực tiễn và mang tính thuyết phục cao. Do vậy, tính chủ động trong thực hiện hoạt động thẩm tra của Ban và đại biểu thành viên Ban HĐND rất quan trọng.